Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Đêm đợi...

Gió vẫn rít dài từng cơn. Mưa vẫn thế đủ để ta cảm thấy mưa nặng nề từng hạt. Mưa gió quấn lấy nhau, đan vào nhau làm nên một bản hoà ca đủ để ta cảm thấy bờ vai lạnh. Ngồi một góc ở bệnh viện, ở gian phòng chờ. Một góc nhỏ, một mình đảo mắt nhìn quanh với bao ánh mắt nhăn nhó với những cơn đau liên hồi, từng tí một đang diễn ra với những con người quanh đó. Ngoài kia gió liên hồi từng cơn, mạnh không kém nhưng lại mang đến một cái lạnh, đông đã về rồi đấy.


 



 


Đêm chìm dần trong những âm thanh của gió, của mưa, của bản tình ca mùa đông đang bắt đầu gõ cửa. Chỉ ban đầu thôi nhưng đủ để làm rối tóc, làm cho ta có cảm giác lạnh, làm cho ta hiểu mình phải chấp nhận điều đó. Hãy mạnh mẽ với chính mình, tự trấn an mình đủ để đối diện với mọi thứ, dù sao thì việc gì đến sẽ đến rồi sẽ đi nếu đã thấy đủ để ta chia xa. Chấp nhận, ngồi một góc yên lặng ở hành lang bệnh viện. Nhìn  những khuôn mặt khắc khổ với những cơn đau đang hành hạ cơ thể của những con người xung quanh. Và đâu đó có ánh mắt đang lo lắng, đang thở dài cầu mong việc gì sẽ nhanh chóng qua mau.


 


Chân cứ như muốn đá vào nhau khi bước đi, tay có vẻ cũng lấn quấn thì phải. Cũng phải cười, cười tự an ủi mình. Ngồi bên cạnh là anh chồng chị đang vượt cạn kia, nhưng thấy cũng chẳng mấy lộ vẻ lo lắng nhiều, ngồi yên một góc cũng đảo con mắt nhìn những người đàn bà xung quanh. Vẫn có những cặp vợ chồng quá trẻ, trẻ đến con mắt mình cũng khó tin được. Anh chồng khoảng tầm 17 tuổi, vẫn có nét chưa trưởng thành, còn ngây ngô lắm nhạc chuông điện thoại vẫn cài những thứ réo rắc khó chịu, nhất là trong phòng chờ ở bệnh viện nữa. Cũng có nét già nua của các cặp vợ chồng muốn tìm mụn con trai. Nhưng hầu như chồng đưa vợ đi sinh lại đứng, ngồi hết ở ngoài hành lang, có người bỏ về để vợ lại đó tự lo lấy, có người thì kệ đi đâu đó một hơi dài để vợ mình đang chịu những cơn đau. Hai từ “mặc kệ” được buông ra từ miệng các ông chồng khá nhiều khi nói chuyện với nhau.


 


Ngồi lặng một góc, nhìn và nghe bên tai mình bao câu chuyện, bao sự trao đổi với nhau. Nhìn bao ánh mắt lo lắng có, đau đớn ẩn hiện khi những cơn đau của những sản phụ sắp sinh. Mồ hôi toát ra khi mà cơn gió ghé ngang mang đến hơi lạnh, cái nét mặt nhen nhó hiện lên đến thương. Một người đàn bà với cơn đau quá đỗi, sắp sinh thì phải những vẫn một mình đứng lên, lê nhẹ bước chân để tự dìu mình với cơn đau, anh chồng có vẻ nóng ruột thì phải vội đỡ vợ dìu dắt như một sự động viên cho vợ. Vậy là anh chồng kia lại mang đến cho những người đàn bà khác một cái nhìn đầy cảm mến, vì họ có bao giờ được như thế đâu. Vẫn lặn lội một mình vượt cạn, dù đó là đứa thứ mấy trong nhà đi nữa. Có người lại tự biện hộ cho người đàn ông của mình là họ chỉ chở đến rồi về, không ở lại đâu, một câu đủ để thấy chút gì đó mà xót hơn “đàn ông họ về chứ ở lại họ dị”. Từ ấy được nhắc lại nhiều trong những người đàn bè ngồi quanh tôi.


 


Khuya. Màn đêm chìm đến sâu lắng, tiếng thở dài, tiếng trẻ con khóc chào đời oe oe vang lên để phá vỡ sự yên tĩnh, để khấy động niềm hạnh phúc khi con chào đời và mẹ đã vượt cạn thành công. Nhưng rồi cũng có những nụ cười của mẹ dành cho con lần cuối, nhìn con như đủ để cảm ơn rồi đi mãi, đi mãi trong tiếng thở gấp gáp. Một người mẹ sau khi sinh đôi hai bé gái thì bị nhồi màu cơ tim đang nguy kịch. Tưởng rằng cầu mong người mẹ kia sẽ bên con, sẽ để hai đứa trẻ nhỏ kia ngậm đầu vú mẹ. Nhưng không, lại có một sự ra đi tàn nhẫn đến không ngờ, đau buốt ở lòng. Mẹ đi, đi khi đủ để nhìn thấy hai đứa trẻ nhỏ ấy, cười với người chồng để mong sự tha thứ đã đi quá vội. Đầu vú mẹ chưa một lần được ngậm, và mẹ đi, đi trong im lặng đi trong tiếng khóc đã đòi sữa. Sao đau thế, tàn nhẫn thế, bầu sữa hai nhỏ bú là đi xin nhờ của những người mẹ khác. Lạnh, giờ nghe lạnh cả trong lòng như thắt lại, không buông mà lại xót.


Lại có tiếng thở dài, lại đứng người và cứ ngồi đợi, thấy lòng mình như chùng chình trong mớ ý nghĩ. Tự an ủi mình sẽ nhanh qua thôi mà. Ngồi đợi và nhìn, lòng tự như bưng ra ý nghĩ sao các sản phụ sinh không để người chồng bên vợ nhỉ, như thế sẽ giúp đỡ vợ rất nhiều đấy. Có chồng ở bên sẽ thấy được niềm an ủi, sẽ thấy như được tiếp thêm sức mạnh, sẽ thấy mình hạnh phúc khi cơn vượt cạn đã có người bên cạnh. Nhưng không, đó chỉ là ý nghĩ, khi tôi muốn dòm qua cánh cửa kia để xem tình hình ra sao thì lại có tiếng nói như quát, sao lạ thế hãy để người thân bên cạnh như thế tốt hơn chứ. Người anh bên cạnh bắt đầu lo lắng hơn, thở dài và nói đã “gởi gắm”những người ở trong phòng ấy rồi.


 


Tôi nghĩ nhiều hơn đến câu nói “mẹ mang nặng đẻ đau”. Một lần sinh là một lần chết mà, một lần mẹ vượt cạn. Đủ để thấy ơn mẹ đến nhường nào, cầu mong rồi cả sự nhẹ nhàng lo lắng khi mang con 9 tháng mười ngày. Mong con bình yên, mong những gì tốt đẹp nhất đến với con. Rồi cơn vượt qua cái đau đớn để con đến thế giới này. Dù sao con vẫn là niềm hạnh phúc của mẹ, vẫn dành hết yêu thương rồi chăm bẵm đến ngày lớn khôn. Từ đỏ hỏn đến khi con đủ lông cánh để bay là một sự dày công nuôi dưỡng. Nói sao hết tình mẹ. Vẫn thương hơn những nỗi nhọc nhằn của mẹ vượt cạn không ai bên cạnh bị người đời hắc hủi nữa vẫn còn đâu đó, thương cho cái kiếp phải nợ mang nữa.


 


Gần sáng. Coi như sự lo lắng đã qua đi, đã xong ca sinh của chị đầy gay go. Rồi tiếng thở nhẹ và cười lên khuôn mặt đã hiện. Cảm ơn những gì đã dành cho tôi, cho chị và cho những người quanh tôi. Cảm ơn khi nhìn thấy đứa bé đang bế trên tay, cảm ơn khi thấy nụ cười hạnh phúc của chị khi nhìn con nhìn chồng. Vậy là gia đình bé nhỏ đã thêm một thành viên tí vào. Mệt nhoà những vẫn cười tự thưởng đến mình và cảm ơn tất cả. Cuộc sống âm thầm với sự đến của những sinh linh bé nhỏ đôi lúc cũng làm cho người khác ngạt thở....


 



 


Cảm ơn cuộc sống này....Và tôi cảm ơn sẽ không đến nơi có mùi thuốc sát trùng nữa vì cả tháng nay đã phải đến bệnh viện quá nhiều lần, hết người này lại người khác. Mọi việc đã qua rồi....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét