Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Hỏi...!


Sẽ ra sao ngày mai, khi trang sách gấp lại.


Đi về đâu khi ta như con thuyền lạc giữa đại dương...!


Tìm bến bờ như trông chừng xa quá.


Tự hỏi lòng ta nên mơ hay tỉnh.


 

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Sắc tím...

 



 


"Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng 
Mà đượm màu tím biếc ... 
Bằng lăng tím chéo khăn, vấn vương thầm lặng 
Nắng long lanh hoa tím bằng lăng ..."


(Bằng lăng tím - Mỹ Tâm)


Nắng muốn gởi gì cho mà hoa tím ấy, để rồi lại thấy một sự vấn vương trong nắng gắt gao khô khốc của tháng 5. Màu tím. Ai cũng nói màu của thuỷ chung, chờ đợi và son sắt, còn tôi thì thấy mùa tím bằng lăng là niềm tin trong nắng. Đẹp, nhưng không buồn như bao người cảm nhận. Với ai đó khi khoảng trời được nhuộm màu hoa tím lại gợi lên nỗi nhớ của một thời yêu ngây dại, hay chăng là những kĩ niệm đẹp nhưng dang dở. Còn tôi, không kĩ niệm nào nhưng lại thích được đắm mình trên những con đường rợp tím bằng lăng. Nó như một niềm mong mỏi của tôi trong năm vậy! Chờ để nhìn thấy sắc tím ươm trong nắng, được thong dong trên khắp các nẻo đường của Tam Kỳ đâu đâu cũng là bằng lăng tím.


Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng? Mà cánh hoa mỏng manh khe khẽ trong nắng. Những cánh hoa đầu mùa thì phơn phớt trắng, dịu dàng. Đến khi nắng vàng ươm chói gắt lại thay sắc tím biếc cả một góc trời. Thích nhất những buổi sáng được đạp xe trên đường nhìn những cánh hoa đêm qua rơi tím một góc rộng. Xác hoa cứ rơi, bao dấu chân giẫm lên nhưng không thể xoá được màu tím của hoa. Vẫn một sắc tím, một đời và cả một lòng hoa giữa cuộc đời. Những cánh hoa đan vào nhau tạo nên một nền trời tím ngát, không có nụ hoa e ấp trong sương sớm, từng chùm hoa bung sắc tím ra một lần.


Tính cánh của hoa là sự vươn mình, không nhún nhường yếu đuối như bao loài hoa khác. Ai nói hoa tím buồn cơ chứ! Hướng đến cuộc sống dù đó là nắng cháy, nắng càng gắt gỏng bao nhiêu thì màu hoa càng tím. Vậy tím của một sức sống bền bỉ, hồn nhiên đúng hơn!


Phố bỗng thay màu trong nền tím. Lặng lẽ theo nắng, theo gió...


 



 


 






Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Chông chênh...!


                                   


 


Chông chênh! Cảm giác của sự hoang hoải không lối thoát cứ ám ảnh. Cũng mệt mỏi, chán chường, xen lẫn đó là không thể bỏ mặc mọi thứ. Phải cứ cố gắng hết mình để mỗi ngày trôi qua nhìn lại không còn thấy hối hận. Đặt ra biết bao mục tiêu dằn bản thân nên đạt được điều đó, cảm thấy áp lực cứ đè nén từng ngày. Kết quả thu được không bằng một góc nhỏ của công sức, nỗ lực bỏ ra chút nào. Đôi khi như muốn tìm một lối thoát của sự “ích kỷ” để vào quên lãng mọi thứ.


Nhiều khi gặp người khác không sợ điều gì ngoài câu hỏi: “Định ra trường làm gì chưa?” Dấu chấm hỏi to đùng ở đằng trước không biết sao trả lời. Rồi lại câu: “Em học ngành CTXH này cực lắm, mà lại là con gái nữa. Đi suốt à, công việc thì vất vả nhưng lương hướng chẳng bao nhiêu”. Tôi chẳng sợ vất vả, thèm đi nên mới chọn hướng ngành này mà bám nếu không tôi đã thi lại ĐH ngay năm 2 rồi. Còn tiền ư! Nó cũng quan trọng lắm, nhiều khi cần tiền đến điên lên đi chứ, nhưng rồi cảm thấy mình làm công việc mà đã chọn thì nên biết hy sinh vì nó để đổi lại bản thân cảm thấy không hối hận.


Còn một kỳ thi có tính chất quyết định là sẽ ra trường. Bắt đầu khám phá cuộc sống với bao lối rẻ nhưng thấy mình quá non nớt, lơ ngơ như “con bò lạc bầy”. Có đứa còn nói “mày hiền quá, cái gì cũng tin người để rồi dễ bị người khác ăn hiếp lắm”. Những đứa con gái cảm thấy mình không đi nổi trên con đường phía trước thì lại chọn hôn nhân làm điểm dừng. Ra trường sẽ có mấy cái cuộc vui của “kẻ bỏ cuộc chơi”, tự nhiên thấy đôi khi sống lại thực dụng? Tìm một điểm dựa, chọn một bờ vai để dựa rồi bỏ mặc mọi điều của cái tuổi còn đầy sung sức này.


Chông chênh quá đỗi! Mấy hôm nay lại tìm cách ngồi ở quán cà phê Trầm, ngồi để quên mọi thứ tỏng từng điệu nhạc không lời. Nhưng rồi gặp mấy đứa cùng lớp với nỗi niềm cũng tìm góc quán để mà lắng lòng lại, những câu chuyện với tiếng thở than tiếp nối nhau. Lặng im, mỗi đứa lại tự theo dòng suy nghĩ riêng với cái cách khuấy cà phê, ngồi nhìn theo hướng xa xăm...


“Bệ rạc, phờ phạc, gầy, xanh,...” Những từ của người thiếu sức sống lũ bạn đều dành cho tôi khi gặp mặt. Tệ hại thật! Những hình ảnh của mấy đứa trẻ mồ côi hôm trước đi gặp lại cứ ám ảnh mãi. Cảm giác bất lực cứ đan xen...! Thèm được phiêu diêu trong quên lãng. Vẫn tự thu mình trong vỏ ốc để che đậy mọi thứ, hay chăng ta quá yếu đuối...?


Chông chênh, hanh hao theo màu nắng rát...


 


 


 

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Tuổi thơ em đâu...?

Không phải hình ảnh người đàn bà bên ngọn đèn dầu ôm đứa bé nhỏ, tiếng khóc thét ngồi bán trứng lộn vẫn thấy mọi lần khi đi qua con đường quen thuộc. Màn đêm buông xuống như kéo theo cả cái buồn của cuộc đời bao người


Những đứa trẻ nhỏ dại, ngây thơ. Ánh mắt đen láy, tiếng cười lấn át cả một không gian vắng lặng của trung tâm trẻ mồ côi sơ sinh tỉnh QN. Cái vui vẻ ngây ngô cũng không thể nào lấn át được tiếng khóc thét của bao đứa trẻ thơ ở phòng bảo mẫu sơ sinh. Lần đầu tiên tôi được dịp ngắm lâu từng khuôn mặt em thơ đến vậy. Mỗi đứa mỗi vẻ khó diễn tả hết, tiếng ru dỗ dành như khan đặc giọng lại. Câu hỏi ẩn hiện trong đầu của từng người bọn tôi. “Vì sao sinh em ra trong cuộc đời...? Cha em đâu? Mẹ em đâu?”


Buồn lắm! Đến rồi chỉ mang trong lòng sự nặng nề, hình ảnh của mấy em nhỏ cứ ám ảnh quẩn quanh trong đầu. Có những em mới được có một ngày tuổi đã bơ vơ lạc lỏng. Có những em hoàn cảnh nghiệt ngã hơn những gì tưởng tượng.


Thuý. Một cô bé 11 tuổi. Nhưng đâu có ai có thể ngờ rằng ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như em lại có thể sâu sắc, già dặn đến không ngờ. Ánh mắt trầm buồn, ít nói, ít cười. Tự tách mình trong một góc nhỏ như để che đậy mọi nỗi đau em cảm nhận được ở cuộc đời này. Bố em bị tai nạn chết lúc em mới có 1 tuổi. Mẹ bị tâm thần nặng. Hỏi đến ước mơ của em là gì? Em trả lời: “Được ở bên bà Ngoại, bên mẹ và có tiền để tiếp tục đi học”. Nhà và trung tâm mồ côi quá xa, mỗi năm được về thăm bà và mẹ có vài lần. Nhiều lúc em muốn được ôm mẹ vào lòng, được nói mọi chuyện mà em biết ở trường, ở trung tâm cho mẹ nghe nhưng không thể. Mẹ em không biết gì cả, đến cả em nhiều khi còn bị mẹ cắn, đánh khi lên cơn. Em chỉ có thể nhìn mẹ từ xa qua khung cửa sổ nhỏ, mẹ vẫn bị nhốt ở căn phòng tối từ khi em được 1 tuổi đến nay.


Tuổi thơ em đâu? Ai đã lấy đi? Vẫn hai chữ “mồ côi” nhưng lần nào đến rồi đi cũng đều buồn cả. Những tổn thương tâm lý ngay từ khi còn nhỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn trẻ. Cảm giác hoài nghi, không có niềm tin ở mọi người đã được đánh dấu ở chính tuổi thơ. Nhưng chúng ta đã làm được gì để tiếng cười kia sẽ không mang trong mình sự lo âu? Như Thuý, học rất giỏi, là một lớp trưởng nhưng em vẫn bị bạn bè trong lớp trêu chọc là “con mồ côi”. Rồi cái ước mơ nhiều khi quá bé nhỏ mà lại không thể nào để giúp!


Ở trung tâm trẻ mồ côi sơ sinh, những đứa trẻ được nuôi từ 0 tháng tuổi đến 12 tuổi sẽ được chuyển sang trung tâm mồ côi ở Hội An, có khi ra làng Hy Vọng, SOS ở ĐN. Mỗi lần đến nơi mới các em phải làm quen với môi trường mới, cuộc sống mới. Cơ chế phòng vệ trong mỗi tâm hồn non nớt cứ lớn dần lên khi phải chuyển nơi sống, thêm một tuổi đời...


“Vì sao sinh em ra trong cuộc đời...như dấu chấm hỏi...Hỏi giữa cuộc đời...?”


 


 


 

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Tháng 5 và hoa Osaka

Tháng 5 đã trôi qua gần được nửa tháng rồi. Thời gian cứ chảy đều mà nhanh, sắc vàng ấy vốn dĩ cứ rực rỡ trong màu nắng chói chang của những ngày đầu hè mà thắm lại cả một góc trời. Cứ như những màu của tia nắng dồn hết vào vòm hoa rự rỡ vàng óng kia đang khoe sắc trên trời xanh. Tháng 5, cái nắng oi nồng, chói chang, gay gắt hơn lúc nào nhưng hoa vẫn cứ dịu dàng mà tung tăng từng cánh hoa rơi trên góc nhỏ của những chiếc bàn cà phê vỉa hè.


Muốn gọi tên tháng 5 là tháng màu vàng - Bởi sắc vàng của hoa điệp, hoa lim sét, hoa hoàng yến (theo tiếng Nhật là hoa Osaka) đang tràn ngập. Những cánh hoa mỏng, nhẹ tênh trong từng cơn gió miên man khi rơi xuống vẫn lặng lẽ bên lề đường. Bao bước chân người vô tình giẫm đạp lên tấm thảm vàng, dù đôi khi con người vội vã với dòng chảy của hiện tại và vươn đến tương lai, hoa vẫn âm thầm làm mát cho cuộc sống bằng màu vàng tươi mới.


Không phải cái màu đỏ chói chang của phượng, màu tím sầu buồn của hoa bằng lăng nhưng vẫn kiêu hãnh dưới nắng, tạo dáng trong vẻ đẹp dịu dàng không kém phần làm phượng và bằng lăng ganh tị!. Hoa đâu chỉ có màu vàng kiêu hãnh mà còn có cả màu đỏ. Tình cờ đi qua lại ở đường Tôn Đức Thắng thấy màu đỏ của hoa Osaka ở gần một quán cà phê mới mở, chút ngỡ ngàng nhưng rất thích thú như đang nhận một hạnh phúc đang lan toả.


Ở Tam Kỳ, loài hoa này chỉ mới có mấy năm trở lại đây thôi, nhưng từ khi thấy hoa Osaka khoe vàng tự nhiên cũng thấy thích được nhìn hoa lay theo gió. Thầm thích hoa vì cái tên hay hay của nó hay thích ngắm nhìn hoa dưới nắng cũng chẳng rõ...? Nhưng nhìn những ai đang ngồi nhâm nhi ly cà phê đen, hay đúng hơn chính họ đang cho mình một khoảng thời gian riêng thì cảm thấy cuộc sống còn đáng yêu nhiều thứ. Vừa thưởng thức hương vị đăng đắng, ngọt ngọt hằng ngày mà còn có dịp được nhìn hoa bay trong gió, trong nắng, lộng lẫy từng chùm vui đùa.


Viết cho hoa hoàng yến, cho cả tháng năm chênh chao mùa nắng oi nồng...!


 



Rực rỡ.



Hoa Osaka đỏ.



 


 


 


 






Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Tiếng ve gọi hè.

Lúc nhỏ vẫn gọi con “ve ve” theo tiếng địa phương quen thuộc là con “de de”, đứa nào cũng gọi quen miệng đến giờ mấy nhóc ở gần nhà vẫn cứ gọi hồn nhiên như thế. Tiếng ve mùa hè ngân lên điệp khúc quen thuộc để lũ nhỏ cứ hớn hở thích thú vì sắp được nghỉ hè, với những trò chơi bất tận ở quê. Mùi tóc khét nắng, tay chân lấm lem bụi đất, nước da thì cháy khét với mùi mồ hôi trội lẫn với cái nắng làm nên cái mùi rất “quê” với những ai từng lớn lên gắn bó với chúng. Những đứa trẻ phố không bao giờ được như ở quê, những trò chơi trong mùi rơm rạ, từng gốc rạ của cánh đồng bất tận khi mùa gặt đã xong.


Trưa. Trong cái nắng chói chang, gắt gỏng, oi nồng. Lũ trẻ chúng tôi vẫn hay trốn nhà mà xúm tụm với nhau lại chơi. Cũng chẳng biết sao lại hay thích chơi với nhau giữa trưa, dù rằng chiều vẫn có thể tranh thu chơi được mà không bị nắng. Mùa những tiếng ve kêu thi nhau đi bắt chúng về. Dụng cụ đi bắt là một cái bao ninông nhỏ, một cây sào dài và một dây thép mỏng, để bắt đầu cuộc chơi trong những trưa nắng. Dây thép nhỏ quấn quanh miệng bao nilong đã chuẩn bị, để khoảng một đoạn ngắn buột vào cây sào, tạo thành một túi hễ thấy cây ve nào đang kêu đang nấp bóng trong thân cây là úp lại rớt vào bao. Lũ nhỏ chúng tôi bắt chúng không chế biến thành món ăn như ngày nay người ta vẫn đang “săn lùng” để chế thành đặc sản ở nhà hàng. Chỉ bắt những con đực kêu chí choé để vuốt ve chơi đùa mà thôi, bắt càng nhiều thì lại hí hửng với cuộc chiến của mình.


Lũ nhỏ vẫn cứ tự hỏi nhau, con ve ăn gì để sống? Rồi lại tự lý giải là chúng ăn “sương đêm”, có đứa cãi lại- ăn vậy sao nó đủ sức kêu cả ngày mà không nghỉ. Hay là chúng kêu để “dụ” con cái nào ngu ngơ. Tiếng cười trong veo trong những câu hỏi như thế! Chỉ sau này mới biết rằng “loài ve đẻ trứng vào vỏ cây, trứng nở thành ấu trùng rơi xuống vùi sâu trong đất. Vào đầu mùa hạ, ấu trùng lột xác trên vỏ cây đánh dấu giai đoạn trưởng thành của mình. Bằng âm vĩ thanh, “chàng ve” trưởng thành gọi bạn tình tìm cặp đôi để cùng hợp xướng dàn nhạc quen thuộc mà chỉ vào hè mới có”. Không biết thế có đúng không? Nhưng lũ nhỏ còn cái trò đi nhặt xác khô của con ve mà chơi, cất giữ chúng vào chai lọ.


Tiếng ve cứ rộn ràng. Sáng sớm mở mắt choàng tỉnh giấc đã nghe khắp tán cây quanh nhà là tiếng ve râm ran, inh ỏi đến ù cả tai. Trưa thì thôi khỏi chê cái dàn nhạc “tự nhiên” với âm lượng cứ réo rắt cao dần theo từng cung bậc. Bao lần ghét tiếng nhạc đến chói tai kia thì cũng đôi lần lại làm ta nhớ lúc nhỏ, nhớ thời khắc học trò với cuốn lưu bút bao dòng có tiếng ve gọi mời, phượng bùng cháy là hè sang – mùa chia tay.


Cái nắng chênh chao gắt gỏng của hè đã về từ lâu. Tiếng ve dậy lên “khúc ca mùa hạ” quen thuộc, thoáng chút bâng khuâng trong bao ánh mắt học trò. Ta đã lướt dáng để rồi tháng tư đi qua thì mới ngỡ đến tiếng ve của hè đã rộn hơn, cuốn lưu bút trao tay vội vã với bao dòng lưu lại kỉ niệm một thời. Tiếng ve cứ ngân khúc ca để lũ học trò cứ mãi luyến tiếc cái khoảnh khắc- chia tay lớp, chia tay trường, bạn bè, thầy cô nơi góc ngồi quen thuộc.


Tiếng ve của tuổi thơ trong mùi tóc khét nắng. Tiếng ve của học trò...