Ấy tuy nhiên, dường như (xin lỗi, dường như thôi) mì Quảng với nhưn tôm cua vẫn “réo gọi hồn quê” hơn? Còn nhớ hồi nhỏ và trong suốt cả tuổi bắt đầu lớn, gánh mì trên những con phố buồn Hội An vẫn “ấn tượng” hơn cả: mì tôm cua. Cùng tone này là mì Cây Trâm, ở phía nam Tam Kỳ. Lưu lạc vô Nam, như ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, mì Quảng đã phải pha chế để hợp khẩu vị dân bản địa. Riêng mấy năm sau này, vài quán mì Quảng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã “tìm về nguồn cội”, trong đó, công kỹ hơn cả là quán Phú Chiêm ở đường Sao Mai (Tân Bình) và Trần Bình Trọng (Bình Thạnh). Chủ quán hơi “kỳ công”, khi đặt lên bàn khách đĩa rau sống Trà Quế (gửi vô bằng đường hàng không). Dĩ nhiên, giá cả có cao hơn một chút so với mì Quảng bình dân nhưng khách xa quê cũng hả dạ hởi lòng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, lâu lâu cả nhà đi ăn mì Quảng. Thấy ông xã say sưa chiến đấu với tô mì, mụ vợ thấy răng mà lạ: “Sao ở nhà, mỗi bữa chỉ được lưng chén?”. “Thì có phải ăn bằng cái bóp mỏ đâu. Người ta ăn bằng cái đầu mí lại bằng cả trái tim nữa chớ bộ”. Ậy, cái tình quê kiểng răng lạ hung rứa hỉ, nó làm thay đổi cả khả năng tích chứa của mấy cái bao tử yếu ớt như không...
Giờ đây, gánh mì phố đêm Hội An trước chợ vải, ở đoạn chếch chếch ngôi trường Diên Hồng ngày xưa cũng gần đủ sức gợi nhớ “những ngày thơ mộng” ấy. Nói gần đủ sức, vì tô mì tôm giá 7.000 đồng không thể cáng đáng nổi chút ít thịt cua, món hải sản đã trở thành cao cấp. Hình như để điền khuyết vào cái sự thiếu vắng này, ông chủ gánh mì đã phải chọn cái trứng cút be bé. Thôi, thì đành vậy. Chứ làm răng mà thực hiện chăm phần chăm lòng hoài cổ cho đặng!? Trong cái “sự” này, thực khách còn có thể ngẫm ngợi đôi điều về lẽ còn - mất, được - không, chẳng cũng thú vị đấy ư? Gánh mì đêm này bắt đầu “múc múc chan chan” lúc 20 giờ, đến 23 giờ là sạch gánh. Ấy cũng không biết chừng là một guinness của phố cổ? Chẳng có bàn biếc chi hết. Khách ngồi trên mấy cái ghế nhựa lè tè, như cái đòn gỗ ngày trước, cứ thế mà bưng, mà và, mà suýt soa, suỵt soạt.
Ở cái gánh mì này, tôi đã “uống” tô mì của kỷ niệm - hồi ức, cùng với uống cả ánh đèn lồng trên hè phố, nơi bóng dáng những ông Tây bà đầm qua lại và khuôn mặt của thế hệ 8X, 7X, thanh sạch mà ngổ ngáo. Và uống cả một thoáng ánh trăng trên hồn phố đang thả xuống đêm - không - thắp - điện trong lòng di sản văn hóa thế giới này.
Lại lẩn thẩn mơ màng, sao tô mì Quảng chưa đi vào “biển lớn” như tô phở đã từng có mặt ở khá nhiều nơi?
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét