Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Đàn bà quê...

Theo truyền thống phương Đông xưa nay, người phụ nữ thường là "cái sân sau" của người đàn ông, là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là người "nâng khăn, sửa túi" cho chồng. Đức hy sinh là một trong những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trải qua bao đời nay, người phụ nữ Việt Nam dường như đã quen với việc hy sinh cho người khác lấy sự thành đạt của chồng, con là hạnh phúc của mình. Vì vậy, sự hy sinh của họ là tự nguyện và lâu dần thành nếp nghĩ của cả hai giới. Có lẽ thế mà họ hài lòng với chính những gì mình có, mình được hưởng trong cuộc sống gia đình và đúng hơn xem đó là hạnh phúc.


Những người đàn bà nhà quê, cái chất mặn mà, cái nước da đã rám nắng rám mưa để dành hết cho chồng cho con. Ngày đêm miệt mài, quần quật hết công việc đồng áng lại đến công việc nhà. Họ mấy khi được nghỉ ngơi, sáng mịt mờ với tiếng gà gáy đã dậy, đã nhen nhóm cái bếp lửa cho đến khi ánh nắng của một ngày tắt dần, lịm dần chìm trong bóng đêm mới có thể được gọi là ngơi nghỉ. Rồi cả cái cách khi mệt, khi khát làm một hơi nước lạnh trong cái ảng gần nhà. Rồi cả cái đôi chân quanh năm mòn mỏi trên những đám ruộng, trên cái con đường đất, trên những sỏi đá phải bước qua đã chai sạn. Cả mái tóc đen nhánh, óng mượt của thời con gái đã thay dần vào đó là mái tóc của hương nắng, của cái ướt của cái lành lạnh sương.



Thế đấy, đã qua đi tất cả cái đẹp của đời người con gái mà giờ thì lại thay thế vào đó là sự pha sương. Hết rồi cái thời con gái mơ mộng của những người đàn bà quê, mà giờ lại thay vào đó là sự vật lộn với miếng cơm manh áo, là những ngày dang dầm ở ngoài đồng. Đôi bàn tay gân guốc, mái tóc khô cứng đã được nhìn thấy cái vẻ nhọc nhằn hằn trên vai.


 


Có bao giờ ta cứ tự hỏi tại sao những người đàn bà bao giờ cũng ngồi bên cái nồi cơm, ngồi xa cái mâm ăn. Hay cả cái việc ăn cơm cháy nữa, đơn giản thế mà vẫn có một điều mà ta không hề nhìn thấy. Vẫn cứ điều đó là bình thường, là xưa nay vẫn có đều đặn nên ta chẳng hề mấy khi quan tâm. Đó là một nét, một sự nhường nhịn. Nếu như bữa cơm ấy thiếu cơm thì người đàn bà, người mẹ nhìn thấy trước tiên, và việc có thể làm để cho những đứa con và đức ông chồng no bữa đó là ăn ít lại. Ai chẳng muốn ăn ngon, ăn những hạt cơm dẻo, thơm chứ chẳng ai thèm ăn cơm cháy đâu. Nhưng vì để cho con, cho chồng no bữa nhưng cái bụng vẫn chưa no, vẫn cứ muốn ăn nên cơm cháy là giải pháp no bụng.


Cách ngồi của những người đàn bà quê, cái chân lúc nào cũng vắt vẻo một chân lên ghế. Cái điệu bộ cầm cái nón ve vẩy cũng làm ta thấy rõ nét quê mùa là thế nào. Dáng ngồi ăn, ngồi húp húp những chén canh cũng đủ để ta thấy đàn bà nhà quê đến thương thế nào.



Cả đời, cả năm chưa hề biết đi khám sức khoẻ là thế nào, rồi cả cái việc may cho mình một chiếc áo mới cũng suy đi, đếm lại kỹ lắm. Thế đấy…! Nhưng tự hỏi những cuộc vui, cuộc nhậu của các ông chồng của những người đàn bà quê có bao giờ họ chạnh chẹ nghĩ đến mình có một người đàn bà quanh năm là vợ của mình không nhỉ? Vẫn thế, cứ lầm lũi như một thân cò bé nhỏ giữa đồng, giữa đêm khuya vắng, mà có thể không vui, lúc giận của ông thì bà lại bị đánh, bị đá những cú đá vô tình, nhẫn tâm. Bao nhiêu nước mắt của người đàn bà quê đã nhoà trên khoé mắt nhỉ. Họ cứ dành hết cho người khác như thế, rồi năm tháng cứ bào mòn thân thể chỉ còn lại là một thân xác khô, như một cái cây thiếu sức sống nhưng vẫn cứ gắng gượng là thế. Vẫn mạnh mẽ, vẫn cứ lao mình miệt mài cho bếp lửa ấm nồng.


 


Với những người đàn bà quê, hạnh phúc là thế nào. Là hạnh phúc được sống, được dành, được vun vén cho chồng, cho con, cho mái ấm gia đình này. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, cứ thế mà dành trọn cả cuộc đời để mình gọi đó là hạnh phúc. Nhưng rồi cái hạnh phúc đó có cả những cái tát, những cú đá nữa… Từ khi làm một người đàn bà nhà quê thì chưa một lần biết đến cảm giác được tặng hoa là gì…Đó là điều xa xỉ với họ. Cách họ bôi son phấn cũng giản đơn lắm, không đỏ chẹo, không trắng mà chỉ một lớp mỏng, một sự gọi là có trang điểm…Và có khi những thứ đó là cả cuộc đời người đàn bà chưa được thử nữa…Và chẳng có gì cả, lại làm thân cò, lại là đàn bà quê.



Ánh nắng đã về ở góc trời và những người đàn quê quanh năm với gốc rạ lại chào đón bằng những công việc không tên, nhọc nhằn ở ngoài đồng. Và những người đàn bà quê vẫn có những khát khao mà ta cảm thấy không hề dễ dàng đối với họ. Vẫn có những giấc mơ gọi đó là giấc chiêm bao của một ngày mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét