Cũng đã khá lâu rồi em mới lại có những cảm nhận về đêm. Cũng bởi áp lực bài thi nên dạo này em thức khuya liên tục, có những hôm thức em dậy từ 12h học cho đến sáng rồi cuốn gói đi thi. Mấy hôm nay mệt mỏi, có vẻ như không được khoẻ lắm, ngày nào cũng phải đến trường chuẩn bị bài thi từ sáng cho đến tối mịt về đến nhà đã 9h, rồi mệt nhừ lăn ra nghỉ đến khuya dậy học cho tới sáng. Và đã cho em những cảm nhận về đêm mới hơn. Đêm cũng có những cung bậc, cảm xúc riêng, những âm thanh của sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng đầy sâu lắng.
Đêm cho lòng ta những cảm nhận chân thật nhất, không có sự ồn ào, tiếng cười giả tạo, không có sự bon chen ganh ghét nhau. Tất cả đều im lìm ngừng nghỉ để tự cảm nhận lại. Với ai đó mang trong mình những nỗi niềm chất chứa thì đêm lại là người bạn trung thành lắng nghe mọi nỗi niềm, lặng nhìn những giọt nước mắt cất giấu lăn dài trên khoé mắt. Ai mang trong mình sự chờ đợi, nhung nhớ thì nhìn đêm dài đằng đẳng như một khúc ca không có điểm dừng. Tôi không có thói quen đóng cửa sổ bao giờ, chỉ trừ trời mưa mới khép nhẹ, lúc nào cũng mở toang ở bàn học như chờ đợi từng cơn gió lùa vào, lúc mang đến cái lạnh rùng người, nhưng có khi lại là sự nhẹ nhàng dịu ngọt. Ước mơ tôi nuôi dưỡng là mình sẽ có một căn phòng nhỏ cho riêng mình, không phải lớn gì nhưng vừa đủ với những gì tôi trang trí trong phòng, lúc đó sẽ ở cửa sổ kia là một cái bàn với một chậu cây xương rồng. Hy vọng mai kia mình sẽ thực hiện được mà thôi, căn phòng chật hẹp đầy bừa bộn này được thay thế, mình sẽ thoả chí mà trang trí theo ý mình.
Có lẽ học đêm nhiều, thèm một giấc ngủ trọn vẹn lắm. Trời về khuya dần, sương xuống làm có không khí trở nên lạnh, cái lạnh không buốt. Nhìn ánh đèn của nhà bên cạnh không tắt, người đàn bà giấc ngủ không trọn vẹn lặng lẽ hằng đêm. Người đàn bà có mái tóc rất dài, một mình gánh vác tất cả công việc gia đình dù lớn hay bé, tự tạo dựng cho gia đình bằng nghề buôn nhỏ lẻ trên chiếc xe honda cũ rích với cái thau cá hằng ngày, phải nuôi đến ba đứa con mà một ông chồng khờ. Tôi không biết giấc ngủ bà khi nào nữa, đêm nào vẫn ánh đèn sáng, vẫn có những tiếng động chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai, từ 2h sáng đã phải dậy giết mổ heo rồi. Có lúc tôi lại hỏi người khác vì sao người đàn bà cần phải có chồng? Dù không phải người mình yêu thương, chấp nhận lấy chồng khờ khạo, mình đứng ra gánh vác tất cả? “Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi,-Một đời long đong, long đong thân cò lặn lội.-Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi,-Một mình lênh đênh, dòng đời đục trong.-Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét. Chợt nhớ đến những câu hát trong bài “Thương lắm tóc dài ơi- Phú Quang”. Kiếp số đàn bà khổ lắm con ạ, những cụ già thường nói với nhau như thế. Một người đàn bà là vợ, là mẹ đều sống trọn vẹn cho chồng, cho con và xem như đó là một trách nhiệm, một niềm hạnh phúc, một sự định đoạt của số phận khi sinh ra là đàn bà.
Dù mình không có tình yêu sâu đậm, nhưng thấy thương cũng chấp nhận “nâng khăn sửa túi” cho chồng, im lặng chấp nhận, coi đó đã đủ cho mình, dẫu rằng mình không yêu. Giữa đêm là sự ngừng nghỉ thì người đàn bà kia đại diện cho bao thân cò lặn lội vun vén cho cuộc sống gia đình vẫn đang miệt mài với công việc. Còn nhớ lúc sáng làm bài thi. Đề thực ra không khó, hai câu hỏi đáng ra em tốt nhưng vẫn thấy không bằng lòng. Một câu yêu cầu phân tích vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình, vì sao vị trí của người phụ nữ lại không tương xứng với vai trò, và nêu những mâu thuẫn trong gia đình sẽ nảy sinh. Câu hỏi này em đã từng đặt ra trong giờ thảo luận, vậy mà bài làm em vẫn chưa nói hết gì mình muốn. Hôn nhân tiến đến với nhau là phải có tình yêu đặt nền móng trước tiên, cảm thấy hợp nhau rồi mới cùng nhau đi trên một con thuyền giữa đại dương mênh mông cuộc đời. Để đến với nhau cũng cần có sự thử thách thì mới bền vững, nhưng khi sự lên ngôi của đàn bà thì sức ép với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đè lên. Với cuộc sống hiện nay người đàn bà không chỉ làm tốt công việc xã hội mà còn cho gia đình nữa. Chính những đòi hỏi của xã hội làm cho người phụ nữ đảm trách nhiều việc hơn, số lượng công việc cũng như thời gian tăng lên, trong khi đó sự chia sẻ của người chồng là rất ít.
Một người đàn bà trong cuộc sống gia đình không chỉ cần vật chất mà đòi hỏi ở sự đáp ứng về tinh thần và tình cảm nhiều hơn. Yêu nhau cho nhau nụ cười - Thương nhau cho nhau cuộc đời. (Bài không tên số 3- Vũ Thành An). Đến với nhau, vợ chồng với nhau cũng là duyên được nối lại, nhưng rồi vẫn thấy đời người đàn bà vẫn có những âm thầm đớn đau riêng. Nếu như bất chợt họ gặp sự thấu hiểu của một ai đó ngoài tình vợ chồng thì khi nhìn lại họ cảm thấy xấu hổ với chính bản thân, mang cảm giác tội lỗi ấy cho đến lúc ra đi mà thôi. Xã hội nào cũng yêu cầu nhiều ở người đàn bà, có những lỗi họ không bao giờ được tha thứ nhưng với người đàn ông điều đó được xem là bình thường. Bất chợt ta gặp đâu đó bài hát, hay bài thơ nào đó chia sẻ những nỗi lòng của người đàn bà ta nhìn lại những khát khao nào cũng chôn dấu để sống cho cả sự hy sinh một đời không tính toán.
Người đàn bà vẫn lặng lẽ hằng đêm như thế với những chật vật cuộc sống đã quên đi bản thân mình. Vẫn sự yêu thương, bao dung, độ lượng đến thương mà giận. Đêm vẫn chìm sâu với bóng đen lặng lẽ. Đêm ngắn với chính em lúc này. Đêm cho em hiểu sự âm thầm của đàn bà nựng mang, ngắn trong đời nhưng dài trong sự tảo tần, chịu đựng.
Bình minh sẽ lé sáng khi tiếng gà gáy cất tiếng. Một ngày mới với những sự âm thầm không lên tiếng….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét