Người mệt, lừ đừ. Bài vở thi thì cứ chồng lên, nào là bài thu hoạch, bài thảo luận nhóm. Choáng đến muốn bỏ tất cả.
Chiều hôm qua lại đi dự đại hội liên chi Hội sinh viên khoa Xã hội. Chẳng qua là ngồi dự chờ được trao cái tờ giấy tuyên dương sinh viên tình nguyện. Ngán, mà vẫn cứ cố ngồi chờ lóng ngóng cầu mong cho kết thúc đại hội để chạy đi chuẩn bị cho chương trình ngoại khoá của Khoa sắp tới. Ngay tối là phải diễn thử để các thầy cô góp ý cho các tiết mục biểu diễn cho tuần sau. Xem các tiết mục ngoại khoá, yêu cầu phải làm nổi lên vai trò của người làm CTXH. Nhìn những tiết mục nói lên những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống được diễn mà hình như cũng làm cho chính bản thân mình có tâm trạng thì phải. Lúc đầu còn nói chuyện này nọ, sau ngồi im luôn. Đó chỉ là diễn, là nói lên thôi mà cũng thấy như chính mình đang chứng kiến trước mắt vậy.
Kết thúc các chương trình đã khuya rồi mà cả bọn lại rủ nhau đi nhậu. Mệt nhưng vẫn bị kéo đi. Có uống được đâu, chỉ ngồi đó to mồm mà hô hò…còn tay thì gắp lia lịa. Trời đã về khuya, đường phố đã bắt đầu vắng tanh. Tháng 12 khi màn đêm buông xuống là sẽ mang đến cái lạnh của mùa đông rõ nét nhất. Nhìn đường phố vắng, bao nhiêu ngôi nhà đã im lìm đóng cánh cửa. Giờ đó có lẽ mọi người đang im lìm chìm sâu trong giấc ngủ say nồng, nhưng vẫn còn bên ngoài đường phố với những con người không nhà, không chăn ấm. Nếu như lúc nhậu em không để ý thấy vài người nằm vất vưởng ngủ ở dưới mái hiên, với một tấm chăn mỏng thì có lẽ sẽ không làm cho em cảm thấy lòng nặng nề.
Hình ảnh đó cứ lẩn quẩn trong đầu của em suốt chặng đường đạp xe về nhà trong đêm khuya. Còn nhiều cảnh đời bất hạnh đến không tưởng em đã biết, và cũng có lúc như muốn ngạt thở. Em thấy mình sao quá bé nhỏ giữa cuộc sống. Em biết, mình cũng chưa chắc sung sướng với cuộc sống hiện tại, có thể cơm chưa no áo chưa ấm nhưng vẫn thấy vẫn còn hơn nhiều người lắm. Luôn tự an ủi mình khi mà em gặp vấn đề nào đó, nhìn lên mình chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống vẫn còn hơn nhiều người.
Về nhà đã quá khuya, quá bữa ăn. Mì gói là cách để em cho vào bụng khi mà đi về khuya như thế. Vừa ăn, vừa xem cái điện thoại có gì mới không khi mà lúc nào em cũng cho nó nằm một góc trong cái ba lô của em. Nhận được cái tin nhắn mà tự nhiên mắt cay xè: “D ơi! Có nhớ mồ côi không? Mồ côi nhớ con lắm đấy, giờ này con đang ở đâu có về nhà không? Cho Má gởi lời thăm gia đình nghe con, bây giờ má pha sữa của con mua cho mấy em uống chung. Nó nhắc đến con đó, thấy hạnh phúc không? Thôi má chúc con toại nguyện trong cuộc sống nhé!” Một tin nhắn dài ngoằng của má Ba, bảo mẫu ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Đại Lộc. Trước khi về tôi chỉ mua cho em hộp sữa, chỉ vì thấy em ăn uống cũng đặc biệt. Ăn cơm lạt, trong chén cơm không bao giờ có chút thịt cá gì cả, mà bữa nào cũng thế. Tôi không đem gì đến với các em chỉ có chút tình cảm để chia sẻ chứ chẳng giúp gì được về lâu dài cả.
Nhớ các em lắm, nhớ những đêm đi ngủ các em hay dành nhau chị phải ngủ chung với em nha. Nhớ tiếng cười trong trẻo. Nhớ những buổi sáng trước khi đi học các em chạy đến phòng “thưa các chị em đi học”. Nhớ lắm…làm sao quên được chứ!
Chuyến đi tìm tình yêu ngắn nhưng lại để trong em nhiều kỹ niệm. Nhớ lại những nét mặt tinh nghịch vẫn khát khao sống và thể hiện mình ở trung tâm tư vấn, phục hồi trẻ khuyết tật huyện Điện Bàn. Ở đấy, các em khuyết tật đủ dạng. Có em còn đi được, còn tự vệ sinh cá nhân được nhưng cũng có em lại phải ngồi một chỗ. Khi nhìn những khuôn mặt với nỗi đau của một đời người phải mang mà vẫn giữ cho mình những nụ cười tươi nhất, lúc đó tự nhiên lòng cứ thắt lại.
Không có nỗi đau nào hơn nỗi đau nào. Nhìn những người mẹ cứ lặng lẽ sáng chở con đến trung tâm, chiều lại chở về mà ở trung tâm này quá nhỏ mà nằm sâu trong một hẻm nhỏ. Đây là trung tâm có sự giúp đỡ của hội cựu chiến binh Mỹ.
Trung tâm tư vấn phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Điện Bàn
Nhìn những ánh mắt rạng ngời của các mẹ khi nhìn con mình cũng cố gắng, tôi hiểu không nổi đau nào diễn tả hết sự đau đớn khi sinh con ra trên cuộc đời này mà không được lành lặn. Và nếu như nỗi đau kia được chia sớt thì có lẽ người mẹ sẽ nhận tất cả để đứa con mình được lành lặn với cuộc đời này.
Nhưng vẫn có sự vô tâm của người cha khi nhìn đứa con của mình mong đợi lại không lành lặn. Cùng với cuộc sống khốn khó của gia đình thì lại bỏ mặc gia đình để chạy trốn, để kiếm tìm cho chính bản thân cuộc sống tốt hơn. Được mấy ai hiểu được những góc khuất của cuộc sống.
Còn nhớ hôm tôi bỏ đi xuống trung tâm tư vấn, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở Điện Bàn. Khi vừa về thì được T. Thương nói: Bé Lan mới chạy lên nói “Chị Thương nhắn với chị D là em đi về nhà ngoại chiều em lên nha”, T.Thương diễn tả lại nét mặt của em, tôi chưa kịp ngồi lại chạy đi tìm xem Lan. May quá, vẫn chưa đi. Tôi xin Má Ba cho đi cùng về nhà Ngoại của bé Lan. Có lẽ tôi là người may mắn được một chuyến “vãng gia” trong nhóm đi thực tế lần này để hiểu hơn cuộc sống người thân và có lẽ tìm cách giải quyết vấn đề tốt hơn cho em. Nhớ khi tôi hỏi Lan: “Em có nhớ ba không? Thì nhận được câu trả lời là: Nhớ gì mà nhớ, ổng có hai bà khác rồi. Có nhớ đến em đâu mà nhớ hả chị?- Tôi hỏi, em ước mơ gì thì câu trả lời: Em ước mình có nhiều tiền để xây cho má em ngôi nhà, lúc đó má em sẽ không còn đi làm xa, và sẽ sắp nhiều thứ khác trong nhà nữa” Khi nói đến ánh mắt em như sáng lên vẻ thèm khát cuộc sống gia đình. Nhớ những câu nói già dặn ở cái tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”…
Chút gì đó nhớ nhưng lại làm em buồn. Sao thấy mình quá bé nhỏ giữa cuộc đời này vậy! Giá như em có gì đó để giúp cho những góc khuất của cuộc sống bớt đi những đau đớn, bớt đi buồn khổ. Vẫn cứ tự an ủi mình là hãy cảm nhận, nhìn nhận cuộc sống quanh mình mà thôi.
Em đã đánh mất đi cái hồn nhiên ở cái tuổi 20, ở cái tuổi nhìn cuộc sống màu hồng. Mắt em thì đã cay xè khi chứng kiến bao nỗi đau ở cuộc đời người khác. Vẫn tham đi, dù đó không phải là chuyến đi chơi mà là chuyến đi học ở cuộc sống.
Một chút lắng lại của những ngày qua…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét