Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Tam Kỳ phố và Cà phê.

Mấy ngày hôm nay trời đột ngột chuyển lạnh, đợt gió mùa đông bắc cuối cùng làm trời chuyển âm u, những người dân quê tôi vẫn quen gọi là “trời ủ hoa sưa”. Cũng sắp đến mùa hoa sưa rồi. Sáng nay trời bỗng nhẹ dịu hơn, ấm áp với tia nắng mai khẽ chiếu qua kẽ lá, trong dòng người tấp nập đủ màu đủ sắc trên con đường đi học hằng ngày ở đâu đó trong quán cà phê vỉa hè nghe mấy câu hát “Tam Kỳ chiều qua thị xã (TP) tôi bỗng ngỡ ngàng giữa bao phố xá. Công trường đổi thênh thang, nhịp sống hôm nay rộn ràng”, trong ca khúc Tam Kỳ khúc hát yêu thương. Mảnh đất này đang từng ngày thay đổi,  không ồn ào chóng mặt, cứ chậm rãi với những bước đi vững chắc. Cuộc sống không có sự náo nhiệt, vội vàng, không mang dáng hoài cổ như ở Hội An, cuộc sống dung dị giữa phố và quê còn hoà quyện.


 


Có lúc phố như trầm mình xuống cùng với nhịp thở đều của cuộc sống, cũng có lúc bừng lên nét hối hả nhưng rất yên bình. Con đường, góc nhỏ, hẻm sâu của Tam Kỳ vẫn có nét riêng, cũng như mỗi con người mỗi đường, mỗi hẻm phố đều có linh hồn. Đi vào các ngách nhỏ, hẻm nhỏ ta hiểu cái nét quê và phố hoà quyện như thế nào. Vẫn có hàng cau cao vút cùng với những dạng nhà cao tầng, cả những ngôi nhà ọp ẹp trong hẻm nhưng cau vẫn vút cao, đứng thẳng như chính con người ở mảnh đất này. Những giàn hoa giấy màu hoa học trò chen lẫn màu xanh non mởn của các luống rau như ở quê. Tiếng búa bửa củi vẫn còn vang vọng trong hẻm khi mà cuộc sống ở phố với bao dạng bếp, nào là than, ga, điện,... Hẻm quê trong phố vẫn đều đặn tiếng ồn ào của lũ trẻ con gọi nhau chơi đùa.


 


Tam Kỳ cũng lạ lắm. Bước chân ra phố là bắt gặp ngay quán cà phê đủ kiểu, có thể nói là muôn hình vạn trạng. Chưa ai ở mảnh đất này thử làm một cuộc thống kê xem có bao nhiêu quán cà phê. Có lẽ nhiều quá, nó đủ dạng sắc màu và lại không ngừng phát triển. Từ những hẻm thưa thớt người qua lại đến những con đường sầm uất vẫn mọc lên những quán cà phê. Giá tiền cũng bình dân phù hợp với mọi đối tượng. Không ai có thể biết chắc hàng ngày ở mảnh đất Tam Kỳ sẽ có bao nhiêu quán cà phê mọc lên, mấy quán sẽ được đổi chủ hay chuyển sang mặc hàng khác. Không hiểu sao Tam Kỳ lại nhiều quán cà phê, quán nhậu, karaoke, hớt tóc,... đến vậy. Bọn tôi vẫn hay đùa là Tam Kỳ thì có 3 cái Kỳ nhưng lý giải mãi vẫn không khớp nhau, phải nói trăm cái kỳ ấy chứ.


 


Cà phê Tam Kỳ ngon, rẻ là điều không ai phủ nhận nếu đã một lần uống. Từ không gian tưởng chừng như chật hẹp nhưng con người nơi đây luôn biết cách bố trí để làm không gian cà phê rất hay. Những chiếc bàn gỗ con con cáu xỉn màu cà phê được đặt cạnh một cây osaka , hay phượng đều là quán cà phê. Ngồi từ không gian nhỏ đó có thể nhìn dòng người ngược xuôi qua lại, bao nhiêu nhịp sống cứ đều đặn diễn ra nhưng chính những giọt cà phê đang từ từ rơi xuống. Sáng sớm hay khuya thì vẫn thấy có người cà phê, người bán cà phê. Tôi không phải là “tin đồ” ngoan đạo của cà phê, nhưng vẫn hằng ngày dõi bóng để xem có quán nào mới được mọc lên, chuyển đổi mặc hàng ở từng con đường quen thuộc hằng ngày qua lại. Mỗi quán tôi đều muốn một lần ghé để xem có nét riêng, khác lạ nào hay không mà thôi. Mỗi quán cà phê Tam Kỳ dù sang trọng hay bình dân đều tạo nét riêng để thu hút khách từ cách pha chế đến cung cách phục vụ. Có quán thì là nơi để người bình luận bóng đá, hay là nơi họ tìm đến để học hỏi cách chơi gà đá, con gà đá như thế nào là hay, độc, sẽ ăn trong các cuộc đấu ở trường gà. Hay có quán dành cho những ai mê cờ tướng, khách đến có thể ngồi từ sáng đến chiều mà không hề bị quấy rây hay làm phiền.


 


Tôi tự hỏi sao không gọi là phố cà phê!. Có người mở quán chưa hẳn là để kinh doanh mà muốn tạo thú vui với sự ra vào của dòng người tìm đến quán. Người đến không chỉ thưởng thức cái màu đen đen, vị đắng đắng của cà phê mà còn tìm đến nơi để giải toả, tâm sự, chia sẻ. Thêm nữa ở nơi đến họ còn được thưởng thức những bản nhạc yêu thích mà cuộc sống bây giờ có thể đã bị lãng quên, trong không gian phù hợp được trầm mình lắng nghe. Có thể đó là những bản nhạc buồn xa vắng của giai điệu tiền chiến, hay những tình khúc không lời, những bài nhạc Trịnh buồn nhưng sâu sắc... Có quán chỉ dành cho người già sáng hay chiều cùng những người bạn già nhâm nhi với nhau sau khi tập thể dục về.  


 


Cà phê chưa hẳn là một thứ xa xỉ, còn là nơi giúp ta được trầm lắng những giây phút lòng nặng nề, còn là nơi để gặp gỡ những người quen thuộc sau những ngày lao động, hay đã lâu rồi chưa được gặp gỡ tâm sự. Quán và cà phê còn là nơi để con nguời tạm quên đi bao lo toan thường nhật để được sống cho riêng mình dù nó rất ngắn đi chăng nữa. Ngồi trong quán với từng giọt cà phê rơi đều, cả những câu chuyện không đầu không cuối cứ nối tiếp nhau từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác ở mảnh đất “đi một vòng lại đụng đầu”. Cà phê Tam Kỳ cũng lạ như chính cái tên ba kỳ mà bọn tôi vẫn hay nói. Lạ lắm cà phê Tam Kỳ phố!


 


 


 


Đêm bình yên ở Tam Kỳ.


 


 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét