Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Hẻm phố và người...

Ai đó hãy cho tôi biết, đường đi có đoạn mở đầu và kết thúc không? Hay chăng đó chỉ mà một đường không mở đầu và kết thúc, ai cũng đi nhưng rồi vẫn biết rằng mình đang đi, đi mãi và tìm điểm dừng, tự hỏi mình khởi đầu điểm nào và khi nào kết thúc!?


Tôi không muốn viết nhiều đến con đường, chỉ trong thoáng chốc tôi chỉ muốn viết đến các con hẻm mà thôi. Hẻm nhỏ sâu hun hút, những lối đi bên lề sự ồn ào các con đường lớn. Đôi khi tôi cũng tự nhận thấy mình nên cảm ơn những gì đang có để rồi được cảm nhận từng ngày đang trôi qua, được thấy và tự thoả mãn với chính mình. Các lối đi của hẻm Tam Kỳ chỉ rộng hai người đi là cùng, lối đi đầy cát bụi, đá sỏi, chút gì đó gập ghềnh không bằng phẳng như chính con người sống trong các hẻm mỗi một phận người, một số kiếp khác nhau. Nhỏ hẻm nhưng con người vẫn dung dị, hiền hoà, cái sâu vòng quanh đầy lối rẻ của con đường trong hẻm nhưng vẫn không thể nào ngăn được nhịp sống bình dị nửa quê nửa phố vẫn còn ở Tam Kỳ.


Tiếng cười nói bi bô, tiếng la í ới của những đứa trẻ thơ từ nhà này sang nhà khác trong hẻm vẫn hiện diện từng ngày, không có sự ngăn cách của những bức tường cao lớn của cuộc sống đô thị. Vẫn lặng im chứng kiến sự đến và đi của bao con người vô gia cư, rồi sự ra đi lặng lẽ về với “cát bụi”. Hẻm với bờ rêu xanh phủ dày lên từng vách, cuộc sống trong guồng quay nhưng hẻm là nơi nâng đỡ cho những con người lao động nhọc nhằn, từ người đạp xe ba gác, xe ôm, làm bốc vác đến những người bán vé số, chiếc xe chở hàng rong hằng ngày vẫn rê ra trên khắp nẻo đường, đến những phận người chọn cho mình số kiếp “ăn xin” dựa vào lòng thương hại của người khác mà kiếm cơm. Hẻm sâu nhưng vẫn đủ sức hằng ngày để là nơi đi và về của bao người, cái giếng nơi sinh hoạt của bao người dân trong hẻm vẫn còn đó, vẫn có sự ý thức bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, nơi của nhưng câu chuyện không đầu không cuối vào lúc sáng hay chiều tối. Cuộc sống theo lối quê vẫn còn hiện diện, vẫn dáng những người đàn bà vẫn túm tụm mà nói chuyện cùng nhau, cái cách người ta có những xung đột cùng lắm chỉ là la om sòm lên rồi ngày mai đã quên. Hẻm không bằng phẳng nhưng con người luôn sống dung hoà và gắn bó với nhau.


Ai biết được có bao nhiêu con hẻm ở mảnh đất Tam Kỳ. Lối đi của hẻm dẫn về các xóm Củi, xóm mổ bò, xóm Tứ Trụ, xóm mắm, xóm chuối,... nhiều lắm sao nhớ hết bao nhiêu ngã hẻm. Cuộc sống chật vật từng ngày của bao con người ẩn hiện, thoáng bắt gặp những dáng đi vội vã trong từng cân gạo, chút cá mớ rau của bữa cơm. Cái miếng ăn vẫn phải chạy thục mạng chưa nói gì đến các khoản chi tiêu khác. Trẻ em ở hẻm cũng khác hẳn với các em nhỏ ở mặt đường, chỉ với những dãy nhà cao thấp nhưng đó là hai mảng màu khác biệt. Nụ cười hồn nhiên, ngây thơ với đôi bàn tay chân lấm lem đất cát, nước da đen đúa và mái tóc cháy nắng khét lẹt, ánh mắt vẫn thoáng chút lo âu và hy vọng chen lẫn. Không phải là cái vô tư đến ngây ngô của phố. Hẻm còn nơi có thể lẫn tránh cái ồn ào, náo nhiệt, khói bụi. Vẫn không thể nào chạy tránh được cái nắng, vẫn cái chiếu rọi cùng với oi nồng hừng hực nóng của mùa khô, vào mùa mưa thì tửng rảnh nước từ đâu đổ ùa về như từng con suối nhỏ, cảnh lội nước bì bỏm rồi múc từng gáo nước thì năm nào vẫn diễn ra.


Hẻm như chính đời người, lúc gập ghềnh cũng có lúc bằng phẳng, từng khúc quanh trong hẻm như chính khó khăn mà ai cũng cần phải đi qua. Làm sao đo được độ dài ngắn của hẻm như chính đời người, có hẻm “tối” hẻm “sáng” nhưng chính đời hẻm lại nâng đời người.


Sự sống vẫn được nảy sinh dù đó là nơi hẻm sâu hun hút với bao bức tường cao của những dãy nhà phố. Hẻm và đời người vẫn bên nhau...


 



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét