Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Vị ngọt của Rơm...

Rơm. Mùi bùn quen thuộc trong từng gốc rạ, nét thân quen của mỗi miền nông thôn không ồn ào, vội vã mà lại lắng trầm. Ngày mùa ở quê lại được đánh thức bởi sự rộn ràng, rạo rực trên từng thửa ruộng với màu lúa vàng chín, mùi thơm của hương lúa như mùi thơm của bầu sữa quê nhà. Nắng trong những ngày mùa như gay gắt, oi bức hơn. Từ sáng sớm trong từng ngách nhỏ của bao con đường làng, mái nhà là làn khói bếp của bao dáng mẹ, dáng chị dậy sớm tất tả lo, vội vội vàng vàng bao công việc không tên của mùa gặt.

Thích cái nhìn trãi dài của cánh đồng lúa, cánh cò trắng chao nghiêng trên từng thửa ruộng, chiều tà trên quê là từng cánh chim vội vã về tổ. Bức tranh quê không có nét vẽ chăm chút cầu kỳ nhưng vẫn đẹp trong từng nét nhỏ. Những sợi rơm vàng óng trong cái nắng đã ôm ấp bao tuổi thơ lớn lên. Vẫn cái mùi thơm ngai ngái nhưng ngọt ngào. Mùi bùn xen lẫn nhưng thấy yêu, ngày mùa trên khắp các nẻo đường đều được trải dài rơm rạ, rất mềm mại và thơm ngát. Lúc nhỏ đi học vào ngày mùa cứ nhăn nhó với nhau khi từng vòng xe đạp bị từng cọng rơm bám vào bánh xe cứ kéo xe ì ạch nặng nề khi đi phải con đường có quá nhiều rơm. Vẫn cái gầy guộc của rơm nhưng bám lấy chân người qua từng ngăn nhỏ kỉ niệm.

Rơm đã gói ấp ôm kỉ niệm tuổi thơ với ai xuất thân từ gốc rạ. Rơm với trẻ con đùa vui, lăn lội khi mùa về. Lúc nhỏ khi chiều về rơm được lan lại từng đống nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi thì phá phách lắm, lan cao bao nhiêu thì lại leo lên đó mà thả người xuống kéo theo cả rơm. Những buổi chiều muộn, đêm trăng sáng lại ù nhau ra đồng đã gặt xong còn trơ lại gốc rạ mà đùa với rơm, ôm từng mớ rơm rồi tung lên trời tứ hướng. Những con đường phơi rơm lại hùa nhau nằm lăn lộn, vật nhau để được cười, được cuộn mình trong từng cọng rơm mà tha hồ hít hà mùi thơm quen thuộc của quê khi mùa về. Trẻ con nào có chó ở nhà cũng dắt theo để cùng đùa với nhau, đôi lúc cười đùa mệt quá lại lăn ra rơm nằm có khi con chó thấy chủ mình lại im ắng liền chạy đến liếm tới tắp lên mặt, kéo áo chủ để phải đứng lên mà chơi tiếp.

Cái màu rơm vàng dịu dàng kia lại là nơi chôn giấu bao bí mật của tuổi thơ nghịch ngợm. Từng trái ô ma xanh, buồng chuối nhà ai đó được hái trộm rồi chôn sâu vào rơm rồi lại thay phiên nhau xem cái “bí mật” con nít đã đủ độ chín chưa. Không phải thăm thẳm mù xa cúa chân trời, cánh đồng dài tít tắp nhưng rơm đã tưới tắm cho từng nụ cười hồn nhiên bao đứa trẻ quê. Ai bảo rơm không có mùi vị nào. Có vị ngọt trong từng gian kí ức nhỏ, trong nụ cười và trong nỗi nhớ.

Muôn đời vẫn cây lúa! Nhưng làm nên hương vị rơm tưới mát tuổi thơ. Đưa cọng rơm trên mà nhấp nháp ở đầu lưỡi là vị ngọt ngào của hương lúa còn sót lại, vị mặn nồng của từng giọt mồ hôi đã rơi... Hương rơm vẫn thơm...

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Vị ngọt của Rơm...





Rơm. Mùi bùn quen thuộc trong từng gốc rạ, nét thân quen của mỗi miền nông thôn không ồn ào, vội vã mà lại lắng trầm. Ngày mùa ở quê lại được đánh thức bởi sự rộn ràng, rạo rực trên từng thửa ruộng với màu lúa vàng chín, mùi thơm của hương lúa như mùi thơm của bầu sữa quê nhà. Nắng trong những ngày mùa như gay gắt, oi bức hơn. Từ sáng sớm trong từng ngách nhỏ của bao con đường làng, mái nhà là làn khói bếp của bao dáng mẹ, dáng chị dậy sớm tất tả lo, vội vội vàng vàng bao công việc không tên của mùa gặt.


 


Thích cái nhìn trãi dài của cánh đồng lúa, cánh cò trắng chao nghiêng trên từng thửa ruộng, chiều tà trên quê là từng cánh chim vội vã về tổ. Bức tranh quê không có nét vẽ chăm chút cầu kỳ nhưng vẫn đẹp trong từng nét nhỏ. Những sợi rơm vàng óng trong cái nắng đã ôm ấp bao tuổi thơ lớn lên. Vẫn cái mùi thơm ngai ngái nhưng ngọt ngào. Mùi bùn xen lẫn nhưng thấy yêu, ngày mùa trên khắp các nẻo đường đều được trải dài rơm rạ, rất mềm mại và thơm ngát. Lúc nhỏ đi học vào ngày mùa cứ nhăn nhó với nhau khi từng vòng xe đạp bị từng cọng rơm bám vào bánh xe cứ kéo xe ì ạch nặng nề khi đi phải con đường có quá nhiều rơm. Vẫn cái gầy guộc của rơm nhưng bám lấy chân người qua từng ngăn nhỏ kỉ niệm.


 


Rơm đã gói ấp ôm kỉ niệm tuổi thơ với ai xuất thân từ gốc rạ. Rơm với trẻ con đùa vui, lăn lội khi mùa về. Lúc nhỏ khi chiều về rơm được lan lại từng đống nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi thì phá phách lắm, lan cao bao nhiêu thì lại leo lên đó mà thả người xuống kéo theo cả rơm. Những buổi chiều muộn, đêm trăng sáng lại ù nhau ra đồng đã gặt xong còn trơ lại gốc rạ mà đùa với rơm, ôm từng mớ rơm rồi tung lên trời tứ hướng. Những con đường phơi rơm lại hùa nhau nằm lăn lộn, vật nhau để được cười, được cuộn mình trong từng cọng rơm mà tha hồ hít hà mùi thơm quen thuộc của quê khi mùa về. Trẻ con nào có chó ở nhà cũng dắt theo để cùng đùa với nhau, đôi lúc cười đùa mệt quá lại lăn ra rơm nằm có khi con chó thấy chủ mình lại im ắng liền chạy đến liếm tới tắp lên mặt, kéo áo chủ để phải đứng lên mà chơi tiếp.


 


Cái màu rơm vàng dịu dàng kia lại là nơi chôn giấu bao bí mật của tuổi thơ nghịch ngợm. Từng trái ô ma xanh, buồng chuối nhà ai đó được hái trộm rồi chôn sâu vào rơm rồi lại thay phiên nhau xem cái “bí mật” con nít đã đủ độ chín chưa. Không phải thăm thẳm mù xa cúa chân trời, cánh đồng dài tít tắp nhưng rơm đã tưới tắm cho từng nụ cười hồn nhiên bao đứa trẻ quê. Ai bảo rơm không có mùi vị nào. Có vị ngọt trong từng gian kí ức nhỏ, trong nụ cười và trong nỗi nhớ.


 


Muôn đời vẫn cây lúa! Nhưng làm nên hương vị rơm tưới mát tuổi thơ. Đưa cọng rơm trên mà nhấp nháp ở đầu lưỡi là vị ngọt ngào của hương lúa còn sót lại, vị mặn nồng của từng giọt mồ hôi đã rơi... Hương rơm vẫn thơm...







Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Hẻm phố và người...

Ai đó hãy cho tôi biết, đường đi có đoạn mở đầu và kết thúc không? Hay chăng đó chỉ mà một đường không mở đầu và kết thúc, ai cũng đi nhưng rồi vẫn biết rằng mình đang đi, đi mãi và tìm điểm dừng, tự hỏi mình khởi đầu điểm nào và khi nào kết thúc!?


Tôi không muốn viết nhiều đến con đường, chỉ trong thoáng chốc tôi chỉ muốn viết đến các con hẻm mà thôi. Hẻm nhỏ sâu hun hút, những lối đi bên lề sự ồn ào các con đường lớn. Đôi khi tôi cũng tự nhận thấy mình nên cảm ơn những gì đang có để rồi được cảm nhận từng ngày đang trôi qua, được thấy và tự thoả mãn với chính mình. Các lối đi của hẻm Tam Kỳ chỉ rộng hai người đi là cùng, lối đi đầy cát bụi, đá sỏi, chút gì đó gập ghềnh không bằng phẳng như chính con người sống trong các hẻm mỗi một phận người, một số kiếp khác nhau. Nhỏ hẻm nhưng con người vẫn dung dị, hiền hoà, cái sâu vòng quanh đầy lối rẻ của con đường trong hẻm nhưng vẫn không thể nào ngăn được nhịp sống bình dị nửa quê nửa phố vẫn còn ở Tam Kỳ.


Tiếng cười nói bi bô, tiếng la í ới của những đứa trẻ thơ từ nhà này sang nhà khác trong hẻm vẫn hiện diện từng ngày, không có sự ngăn cách của những bức tường cao lớn của cuộc sống đô thị. Vẫn lặng im chứng kiến sự đến và đi của bao con người vô gia cư, rồi sự ra đi lặng lẽ về với “cát bụi”. Hẻm với bờ rêu xanh phủ dày lên từng vách, cuộc sống trong guồng quay nhưng hẻm là nơi nâng đỡ cho những con người lao động nhọc nhằn, từ người đạp xe ba gác, xe ôm, làm bốc vác đến những người bán vé số, chiếc xe chở hàng rong hằng ngày vẫn rê ra trên khắp nẻo đường, đến những phận người chọn cho mình số kiếp “ăn xin” dựa vào lòng thương hại của người khác mà kiếm cơm. Hẻm sâu nhưng vẫn đủ sức hằng ngày để là nơi đi và về của bao người, cái giếng nơi sinh hoạt của bao người dân trong hẻm vẫn còn đó, vẫn có sự ý thức bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, nơi của nhưng câu chuyện không đầu không cuối vào lúc sáng hay chiều tối. Cuộc sống theo lối quê vẫn còn hiện diện, vẫn dáng những người đàn bà vẫn túm tụm mà nói chuyện cùng nhau, cái cách người ta có những xung đột cùng lắm chỉ là la om sòm lên rồi ngày mai đã quên. Hẻm không bằng phẳng nhưng con người luôn sống dung hoà và gắn bó với nhau.


Ai biết được có bao nhiêu con hẻm ở mảnh đất Tam Kỳ. Lối đi của hẻm dẫn về các xóm Củi, xóm mổ bò, xóm Tứ Trụ, xóm mắm, xóm chuối,... nhiều lắm sao nhớ hết bao nhiêu ngã hẻm. Cuộc sống chật vật từng ngày của bao con người ẩn hiện, thoáng bắt gặp những dáng đi vội vã trong từng cân gạo, chút cá mớ rau của bữa cơm. Cái miếng ăn vẫn phải chạy thục mạng chưa nói gì đến các khoản chi tiêu khác. Trẻ em ở hẻm cũng khác hẳn với các em nhỏ ở mặt đường, chỉ với những dãy nhà cao thấp nhưng đó là hai mảng màu khác biệt. Nụ cười hồn nhiên, ngây thơ với đôi bàn tay chân lấm lem đất cát, nước da đen đúa và mái tóc cháy nắng khét lẹt, ánh mắt vẫn thoáng chút lo âu và hy vọng chen lẫn. Không phải là cái vô tư đến ngây ngô của phố. Hẻm còn nơi có thể lẫn tránh cái ồn ào, náo nhiệt, khói bụi. Vẫn không thể nào chạy tránh được cái nắng, vẫn cái chiếu rọi cùng với oi nồng hừng hực nóng của mùa khô, vào mùa mưa thì tửng rảnh nước từ đâu đổ ùa về như từng con suối nhỏ, cảnh lội nước bì bỏm rồi múc từng gáo nước thì năm nào vẫn diễn ra.


Hẻm như chính đời người, lúc gập ghềnh cũng có lúc bằng phẳng, từng khúc quanh trong hẻm như chính khó khăn mà ai cũng cần phải đi qua. Làm sao đo được độ dài ngắn của hẻm như chính đời người, có hẻm “tối” hẻm “sáng” nhưng chính đời hẻm lại nâng đời người.


Sự sống vẫn được nảy sinh dù đó là nơi hẻm sâu hun hút với bao bức tường cao của những dãy nhà phố. Hẻm và đời người vẫn bên nhau...


 



 

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

"Khùng" của một kẻ đi dưới nắng.


Nắng. Cái nắng có màu gì nhỉ? Ai đó cũng bảo nắng vàng rực rỡ, hay nắng trong suốt chỉ biết cảm nhận qua cái cách nắng thể hiện với vạn vật mà thôi. Nắng kèm với nóng để tạo nên sự đồng điệu rồi cũng bật lên nền là nắng, nhưng mấy ai thấy được nắng màu gì cơ chứ. Nắng màu vàng hay trắng thủy tinh trong suốt với sự chói chang. Nắng vui hay buồn hơn mưa?


Nắng đẹp chứ! Và tôi thì lại than thở trong cái nắng


 “Mệt quá thân ta này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Nằm xuống với đất muôn đời”


Đôi chân rệu rạ, đau rát đến khổ sở bởi suốt ngày cứ bơ bơ mặt ra ngoài đường. Mệt lắm thân ta à, muốn tìm đến chiếc ghế để nghỉ ngơi nhưng không thể vì đường nào cũng cần ta phải đi và phải vượt qua. Hai ngày ròng rả, cầm trên tay là địa chỉ các cơ quan doanh nghiệp nhỏ, vừa để tìm hiểu về số lao động và việc làm trên địa bàn Tam Kỳ mà phòng LĐTB TP Tam Kỳ giao phó. Chao ôi, hơn 600 doanh nghiệp chứ ít ỏi gì đâu.


Tam Kỳ ơi, cái mảnh đất đi một vòng đã đụng đầu này có lúc lại làm bản thân mình đến mệt, cái nắng oi ỏi, cái nóng hừng hực lên từng góc ngách của mặt đường. Nắng không ngừng thả hồn vào từng ngách nhỏ, từng con hẻm vẫn cái oi nồng khó chịu. Cứ lửng thửng suốt ngày trên khắp các con phố, các hẻm nhỏ để tìm thu thập thông tin về lao động việc làm tại các doanh nghiệp. Phải chăng nên nói lúc này Tam Kỳ thành phố “đùi nhây”, cái gì cũng nghèo nàn mà lại cố tỏ ra dáng trong tất cả, đi rệu rạ các thân xác, mòn mỏi cả đôi chân mà chỉ thu thập được vài tờ giấy trong bảng hỏi.


Đôi lúc như bực tức muốn bỏ lại mà ngồi ngách nào đó, thấy hàng chữ dài lê thê tự nhiên nản hết ý không muốn gì hết chỉ cầu mong sao cho nhanh chóng xong việc này. Địa chỉ công ty, doanh nghiệp ngay tại số nhà đó, đường đó nhưng không có công ty nào cả, và có thì chỉ là lúc trước còn nay đã phá sản rồi. Lúc đầu lại nghĩ ở cái mảnh đất tí tẹo này làm gì có công ty “ma” nào cơ chứ! Nhưng không ngờ đi riết rồi nhận diện rõ ràng hơn, ghi địa chỉ công ty sai bét, không văn phòng, không bảng hiệu gì cả chỉ là trên doanh nghĩa mở công ty nhằm mục đích vay vốn? Hay làm gì đó chỉ có người mở công ty mới biết? Cũng lắm buồn hơn, khi mình hỏi về công ty đó có người nghĩ mình bên cục thuế nên cứ lãng tránh đủ kiểu, còn chuyện khai khống không đúng thực trạng công ty nữa chứ! Cũng đúng thôi, chỉ làm phiền họ chưa đầy 5 phút nhưng họ không thích cách tra khảo hay hỏi han về tình hình hoạt động công ty, cho mình cũng vậy thôi. Đúng không nào? Cái nhìn xoi mói, khó chịu, cứ ẩn hiện khi đến tiếp xúc nhưng đổi lại cho bản thân cái nhìn rõ hơn về cuộc sống cứ từng ngày trôi qua, đừng quá lý tưởng trong mọi việc để rồi đổi lại sự thất vọng ê chề.


Số nhà mới và cũ cứ chồng lên nhau, có nhiều công ty mở trong các hẻm chỉ ghi địa chỉ khối phố, phường là xong, đi rệu cả chân, hỏi mỏi cả mồm, miệng khô cốc mà chẳng ra. Nói đến tên công ty chẳng hề ai biết, dù đến đúng địa chỉ đó nhưng hỏi số nhà cũ ai cũng lắc đầu cả. Cuộc sống ở phố khác hẳn ở quê, khó hỏi địa chỉ dù rằng họ có ở sát bên cạnh nhưng cuộc sống phần ai lo người nấy nên chẳng hề dính dán gì nhau. Đô thị hoá lấn lướt bao nhiêu cái đẹp của hàng xóm láng giềng, cái “tắt lửa tối đèn có nhau” thay vào những xô bồ của guồng quay cuộc sống nhiều hơn.


Mệt lắm chân ta à. Thêm cái “khùng” nữa làm bám theo ta rồi đó. Dạo mầy lần trước thì lang thang tìm hiểu về tình hình các hộ nghèo, nay lại là các doanh nghiệp, của ai phần nấy lo cứ xăn xía vào chi la mình khùng. Khùng quá đi chứ, đôi chân cũng ghét bản thân mình nhiều hơn chứ nói gì đến chiếc xe đạp là bạn thân đồng hành trên khắp các nẻo đường từ trước đến nay. Sáng nay đi đến tắt thở thì bỗng “bùm”, than ôi cái lốp xe đã phì phởn không còn chút hơi. Vừa dắt xe đi tìm tiệm sửa xe đạp, vừa dò tìm địa chỉ trên đôi chân đau nhức đã phồng rộp sưng tấy. Tiềm sửa xe đạp cũng khó khăn, đi rệu chân mà chả có đành dắt xe về nhà Cô Hai để đó sẵn đó mượn tiền đi thay xăm lốp, cứ cố đi cho xong đợt thực tập rồi thay nhưng không thể được nữa rồi. Cái nghèo cứ đeo bám thế này đây, nhưng cũng may chú sửa xe lần nào dắt đến cũng lắt đầu rồi tìm cái lốp cũ thay vào, còn xăm phải mua cho đỡ tiền. Hìhì, xe cũng sửa xong để tiếp tục hành trình mới. Dù tiền lúc này trong túi đã cháy khô không một xa nào.


Làm răng để giải quyết số địa chỉ doanh nghiệp còn lại để lấy thông tin đây? Còn đến hơn một nửa doanh nghiệp mà không tìm được địa chỉ vì nằm sâu trong các hẻm và khối phố, tô dân cư, hỏi han đủ cách nhưng ai cũng lắc đầu không biết. Và ta cũng lắc đầu muốn chán quá! Ôi cái thân rả rời...


Nắng hãy chỉ đường cho ta nhé!



P/S: Ai có cách nào chỉ giúp cách tìm địa chỉ nhanh gọn chỉ giúp với. Mệt lắm rồi.

 Không chắc em nhảy sông để giải quyết quá!


 


 

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Xin cho tôi được tiếng thở than.


 


Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi


Cảm giác chống chếnh, rơi rớt mọi cảm xúc để cảm nhận những gì quanh mình. Lại là “trống rỗng’ trong đầu với bao dòng suy nghĩ miên man chẳng có mà dòng suy nghĩ của cái đó quá xa xôi, hay chăng chính bản thân mình luôn khó hiểu rồi bất chợt chẳng định hình được gì cả. Nhớ lại những câu hát trong bài “Xin cho tôi” của Trịnh Công Sơn rồi chợt gọi lại chính mình hãy lấy lại cái sâu thẳm của bản thân mà viết, mà tuôn ra bao nhiêu chất chứa ở trong lòng. Xin một kiếp phiêu diêu rong chơi ở chốn trần đời rồi quên đi mọi buồn phiền trong chốc lát với nụ cười hiện hữu trên môi. Xin sự yên phận không tranh dành, ganh đua chỉ muốn là kẻ lãng du bốn bề quanh ta là nhà. Thèm như thế lắm, ai cũng mong cho bản thân sự bình yên rồi gọi tên “hạnh phúc”, điều đó đôi khi như là sự ước muốn và đi tìm.


Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười


Tôi nhìn người và muốn xin gì đó nếu có thể. Nhìn dòng xe cộ ồn ào, vội vã với bao nét mặt đầy cảm xúc hoà lẫn trong cái nắng chói chang, bên lề của ồn ào là bao kiếp sống nổi trôi khác còn chật vật với miếng ăn, manh áo. Sáng cũng ào theo dòng người kia, rồi lại tất tả nhưng vẫn không thể nào lãng quên cái nhìn vào bao dáng người cũng đang bắt đầu ngày làm việc nhưng cái dáng lại lầm lũi, im lặng với bao bước chân. Người đàn ông mù với chiếc gậy dò đường, trên vai chiếc túi nhỏ và tay cầm một bình nước chè xanh, một bịch sữa đậu nành. Ngày nào vẫn vậy, vẫn cái dáng đi với một gương mặt bình thản bước đi không tất bật, vội vàng. Bất chợt nhận thấy những con người với bóng tối quanh mình là cuộc sống, còn ánh mặt trời vẫn chỉ biết cảm nhận nhưng khuôn mặt tự nhiên cười tươi với điều gì đó thì tự thân mình như ai đó đã cho một niềm vui ở giữa con đường.


Ánh mắt em thơ vẫn đầy sự ngây thơ nhưng đã lấm lem với sự bon chen cuộc sống khi trên tay là những tập vé số, những tập báo rồi lang thang khắp các nẻo đường. Cụ già với dáng đi khắc khổ trên vai là một cái bao cùng với đôi chân trên các hẻm nhỏ, những thùng rác mà nhặt nhạnh phế liệu để kiếm cơm sống qua ngày. Tuổi già vẫn không được nghỉ chân, vẫn phải kiếm miếng ăn qua ngày với một nỗi lo bệnh tật ngày nào đó sẽ đổ xuống, rồi cảnh nằm vật vờ trong cô đơn giá lạnh cứ hiện lên từng ánh mắt. Có hôm đi trên đường giữa trưa nắng bắt gặp những thân phận bé nhỏ kia bị xỉu khi mà suố ngày dang dưới cái nắng, cái nóng như thiêu như đốt, ái ngại nhìn nhưng rồi ngậm ngùi trong lòng.


Vật vờ với kiếp người chăng? Hay bản thân dễ bị ám ảnh những hình ảnh mà trong cuộc sống luôn có kia. Nhìn rồi suy nghĩ về kiếp người với đời đôi lúc có những cái quá “phù du” đến và đi không hề biết trước. Với ta thế này, khi sinh ra hình hài lành lặn, cuộc sống vẫn phải gồng mình nhưng có gọi là “hạnh phúc”, bao em thơ khi sinh ra lại kém may mắn suốt cuộc đời, ngay cả tuổi thơ không được nguyên vẹn vẫn phải mang trong mình những cơn đau hành hạ. Dáng đi nhọc nhằn, liêu xiêu như muốn ngã của bao em nhỏ bị khuyết tật nhưng vẫn phải kiếm sống, vẫn muốn tự khẳng định mình. Hình ảnh của mấy em nhỏ kia vẫn bắt gặp khi đi trên xe buýt, hay đang lang thang ngoài đường, hay đi đến các trung tâm bảo trợ xã hội trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thầm.


Sống. Người nghèo hay giàu vẫn phải sống nhưng rồi ai cũng thấy sao mình thiếu nhiều thứ quá vậy? Người giàu thì thấy mình sao không hạnh phúc, vẫn chưa đủ đầy. Người nghèo thì lại thấy cuộc sống của mình sao quá thiếu thốn, chật vật quá đỗi. Trong trưa nắng oi nồng, trên chiếc máy của bác xe ôm hay trên chiếc ba gác vẫn có những giấc ngủ dở dang, khắc khổ. Đôi chân đen đúa lộ rõ trên những chiếc võng của những người bán hàng rong tìm một bóng mát đang đưa mình theo nhịp võng với giấc nghỉ trưa. Đêm chìm sâu hun hút thì vẫn có những dáng người liêu xiêu ngủ vật vờ dưới mái hiên, dưới những sạp hàng hoá trong chợ. Rồi cả bao ánh mắt vô hồn, bước đi vô định của những con người không bình thường. Họ đã tạo nên cuộc sống với nhiều màu sắc khác nhau, như hai thế giới đen trắng hoà lẫn để rồi chính bản thân ta phải biết thấy rằng mình có được gì khi đã được sinh ra đời!


Đôi lúc nhìn người với bao nỗi niềm xen lẫn nhưng họ vẫn đi cùng ta trong cuộc sống hằng ngày. Và họ cho ta nhìn nhận lại những thứ mình đang có và không có từ họ, sự mạnh mẽ, vượt lên nỗi đau và hoàn cảnh để sống. Cách mỉm cười với cuộc sống, nụ cười không ẩn chứa nỗi buồn của kẻ khó hiểu như ta, cách nên biết chiến thắng bản thân vì “kẻ thù lớn nhất chính là bản thân ta”. Có thể họ lướt dáng trong cuộc sống ngày hôm nay nhưng ngày mai sẽ không có nhưng tôi xin cảm ơn đã cho tôi nhìn nhận lại sự “trống rỗng” đã chiếm lấy tôi lúc này.


“Xin cho tôi xin chỉ một ngày” Và xin cảm ơn đã cho tôi...!


 



 


 

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Trống...!


Trống...


 


Lá vẫn theo từng gió nhẹ rơi.


Nắng


Nhạt nhào theo từng cung bậc


Em...


Lặng lẽ nhìn...


Sông vẫn chảy


Câu hỏi nảy sinh


Ta sẽ về đâu?.


 


Ở nơi xa nào


Ta có ai đó chờ


Với nụ cười rạng rỡ


Hay phía cuối chỉ riêng mình ta


 


Hoàng hôn lặng rơi


Màu nhạt nhoà vàng vọt


Trầm buồn


Ngậm ngùi...


Một ngày qua trôi trong lặng lẽ


Về đi kẻ lang thang


Chốn bình yên vẫn đang gọi


 


Về đi nhé!


Bao người mong gặp.


Chông chênh trong lòng sẽ xa vắng


Nụ cười hôm qua đánh mất


Nước mắt rơi nhạt nhoà cay cay


 


Cười lên...


Về với bước chân vô định


Về trong lòng không ánh nắng


Rỗng...


Trống không quạnh quẽ của lòng.


Bình minh sẽ gọi


Và hãy sông hết mình cho ngày hôm nay


Ngày mai ta sẽ cười mãn nguyện...!

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Sông và Người!


 


Tôi rất thích đứng trước dòng sông vào lúc sáng sớm và chiều khi mặt trời lặn. Sông khi sáng sớm rất hiền hoà và dịu êm, ánh nắng vàng vọt của ngày mới rọi chiếu xuống mặt nước trong xanh, từng mảng sương mỏng vẫn còn vương trên mặt nước. Hai bên bờ sông là sự ồn ào, tiếng cười nói inh ỏi của những chiếc thuyền chở cát sỏi, thấp thoáng xa xa là những chiếc thuyền mưu sinh với từng guồng lưới giăng thả. Nhìn sông thấy cuộc sống rất đáng yêu! Trên cầu là dòng xe cộ nhộn nhịp qua lại, sáng nào cũng đạp xe qua con sông Tam Kỳ tôi vẫn nhìn dù dòng xe cứ đông và vội vã cứ như một thói quen vậy. Lúc chiều buông từng vạt ánh sáng yếu ớt là từng cánh chim chao nghiêng trên bầu trời đi tìm về tổ, vẫn mặt sông phẳng lặng chảy, từng gợi sóng hiền dịu và lửng lờ, những cánh hoa sưa theo chiều cơn gió được xuôi dòng nước trong tiếng ghe máy. Sông vẫn dòng nước trong xanh như khao khát sự yên bình.


Đã bao lần ta đứng trước dòng sông ngắm nhìn và tự soi chiếu cuộc đời vào mặt nước sông hay chưa? Ta có thể đứng trước biển ngắm nhìn từng con sóng xô bờ, và gào thét lên khi cảm thấy trong lòng cần sự giải toả mà chẳng biết san sẻ cùng ai. Ta bắt gặp con sóng dữ dội của biển khi gào thét chính là lúc biển cũng mang sự giận dữ trong lòng, nhưng biển cũng dịu êm hiền hoà. Lòng biển rộng lớn lắm, ôm trọn bao buồn vui của trong người trong lòng cứ muốn tâm sự trước biển. Còn sông, đã bao lần ta đứng nhìn dòng nước xanh trong, hay sông mang nặng phù sa vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn. Một dòng sông bắt nguồn từ những con suối nhỏ, nhưng khe nước kết tụ lại thành, sông cũng rộng lớn ôm trọn mọi dòng chảy được đổ về rồi lại lửng lờ những con sóng nhẹ nhàng có khi lại lặng lẻ chảy với những dòng nước phẳng lặng.


Sông có điểm mở đầu và kết thúc không? Ta có đếm nổi tuổi của con sông hay chỉ là sự dự đoán tuổi và trải nghiệm qua cảm nhận về sông và đời người. Đôi lúc nhìn sông rồi đưa ra bao ý kiến về dòng sông tựa như một cuộc đời, vẫn miệt mài chảy để đi tìm bến bờ bình yên hay chăng là sự nhìn nhận về hạnh phúc. Nhưng sông vẫn cứ chảy theo nhịp thời gian nối tiếp, gọi đúng hơn là bước chân của kẻ lang thang đang đi kiếm tìm! Cuộc đời có như một dòng sông với những gợn sóng chẳng hề phẳng lặng, lúc trào dâng lúc hiền hoà, con người có thể nhỏ bé khi đứng trước dòng sông nhưng vẫn mạnh mẽ và luôn ẩn chứa sự khao khát ôm trọn mọi thứ. Sông không bao giờ có sự lựa chọn để kết thúc chảy nhưng sông vẫn cứ hết mình cho cuộc đời của sông.


Nhìn sông ta đã nói đến mình hay chưa? Có bao giờ ta đã sông hết mình như sông, hay những lúc gặp điều gì đó vấp ngã là lại muốn buông xuôi, đôi khi là sự từ bỏ cuộc sống trầm mình xuống dòng nước để tìm một sự yên bình trong giấc ngủ vĩnh viễn. Đời người cứ chìm nổi với bao cơn sóng cuộn trào lúc giận dữ, lúc trong xanh nhưng lúc đục ngầu. Mong manh trong dòng nước không biết nông sâu của sông nhưng ta nhìn đến cuộc đời, đến những chân lang thang vô định trong dòng đời.


Sông và người vẫn phải chảy mải miết với cuộc sống để đi tìm bến đổ. Sông mang phù sa tưới cho cánh đồng, cho dòng nước ngọt trên từng cây lá. Còn người vẫn mải miết với từng công việc để tưới cho đời, nhưng sẽ là vị ngọt hay đắng tuỳ vào cách là chọn dòng nước để chèo lái con thuyến mình đi mà thôi. Sông và người vẫn song hành trên dòng chảy để đi tìm đích đến của riêng mình, vẫn cố giữ lấy những gì riêng mình rồi vững vàng bước tiếp. Ngước nhìn lên bầu trời trong xanh rồi tìm hướng đi.


Hãy tự đứng vững trên dòng sông cuộc đời của mình nhé “TÔI”.


Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Không tên...!

                                            Chút hoang mang trong lòng...?


 


Lại một sự bất chợt trong câu nói, hôm nay đi photo sách về chuẩn bị học bài thi cho 2 môn cuối cùng. Vẫn câu nói về ngành học, “Công tác xã hội” là gì? Một sự ngập ngừng khó trả lời cứ quấn mãi, đã biết bao câu hỏi của mọi người về ngành học này rồi những bạn bè cùng trang lứa cũng vậy. Rồi cả những câu nói học ngành này đi miết vậy rồi sau này có gí đình thì sao? Chuyện đó là của sau này tôi không nghĩ đến nên không mấy quan tâm. Vì sao lại chọn ngành này? “Duyên” nghề đưa đẩy hay chăng, cứ nói tránh qua duyên nghề chọn người nhưng rồi vẫn chút gì đó trống vắng trong lòng thực sự. Ước mơ của mình đâu rồi, một cô giáo vùng cao được nắm đôi bàn tay bé nhỏ lấm lem bùn đất dạy các em nét chữ đầu tiên chứ không phải là một người làm công tác xã hội.


 


Đôi lúc đi ra ngoài không sợ gì mà chỉ sợ ai đó hỏi học ngành gì mà thôi, khó nói để cho người khác hiểu. Chỉ một cú nhấp chuột vào màn hình máy tính với dòng chữ “Công tác xã hội” thì có đến 11.400.000 kết quả tìm kiếm, bao nhiêu điều nói đến nhưng có thực sự nói hết bao lo lắng của những ai là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường học ngành này không chứ? Tôi biết chưa có sự thống kê cụ thể nào để diễn tả hết, đâu đó vẫn có những bài viết cảm nhận của một người về ngành học với những sự việc được tiếp xúc và ấn tượng mà thôi. Nhiều khi muốn buông xuối mọi thứ để đi đến đâu thì đến. Năm thứ hai khi học ngành này tôi đã quyết định nộp đơn thi lại đại học lần 2, mọi thứ đã chuẩn bị tất cả chờ thi nhưng đến lúc nộp hồ sơ thi thì không đủ tiền rồi lại chần chừ không thi. Vậy là cơ hội lại bị tôi cho trôi tụt, vẫn cái nỗi lo nhiều thứ cho bản thân mình.


 


Những lúc chùng mình như muốn oà khóc, thất vọng lúc đi thực tế ở các cơ quan, tổ chức xã hội bị khước từ, rồi các vấn đề tiếp cận để tìm hiểu cứ như đi xuống biển lặn tìm kim vậy. Cũng nên nói mình may mắn đã được học đến ngành này là đã tiếp cận được với bao mảnh đời bất hạnh, những con người bên lề xã hội mà chẳng mấy ai để tâm đến. Nước mắt cũng có lúc rơi khi cảm thấy mình quá bé nhỏ giữa cuộc sống này chẳng làm được gì hết cả, cảm thấy như có một khối đá tẳng đè nặng trong lồng ngực khi biết bao nụ cười hồn nhiên kia đang phải gánh chịu những nỗi đau quá lớn. Những đêm mất ngủ vì bị ám ảnh với bao câu chuyện của người khác tác động mà chính mắt mình nhìn thấy. Ai đó đã từng nói với tối rằng: “Nếu tôi chọn ngành học này và cố bám với nghề thì nước mắt sẽ còn rơi mãi...” Phải chăng là vậy?


 


Mỗi môn học của ngành cho tôi sự vỡ lẽ nhiều điều. Biết rằng mình quá ngốc để hiểu hết và đủ lượng thông minh để xoay sở bao tình huống nhưng đôi lúc chính bản thân cũng có chút gì đó “yêu” thực sự, nhưng rồi nghĩ đến ngày mai sẽ là thế nào thì lại quên ngay nhường chỗ cho điều khác. Còn một tuần nữa là đi thực tập, ai cũng có nơi để đi còn bản thân tôi thì đang lo ngơ đi xin, vẫn sự từ chối của những nơi đến, chán nản cứ lien tiếp diễn ra trong đầu. Nhưng vẫn cứ tự trấn an bản thân cố lên để đi tiếp những bước tiếp theo. Cười một cái rồi lại nhìn về phía trước. Lúc sáng còn cười tươi với mấy đứa bạn về buổi thi đóng vai trong học phần kỹ năng sinh hoạt. Một đứa con gái luôn bị những đứa cùng lớp nói là “bà già” thì nay lại đóng vai một đứa nhí nha nhí nhảnh không thể tưởng. Lúc thử vai cứ cười vì ngượng nhưng rồi vẫn cố gắng hết mình để thấy rằng bản thân ta cứ cố gắng đi rồi sẽ có kết quả. Uh, cười vậy đấy vậy mà giờ lại với bao cảm giác hoang mang trong lòng cứ dâng lên. Mặc kệ mọi thứ được lúc này được không?


Viết cho lòng mình trong lúc cảm thấy chán nản nhiều nhất. Tự trấn an qua những dòng viết vô định trong lòng cứ tuôn ra... Hy vọng ngày mai sẽ có nơi nhận mình đi thực tập.


Buồn cứ dâng trong lòng...!


 



 

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Khoảnh khắc hoa sưa tháng 3.


4478087769_44e9225668.jpg


Thoáng chốc đã qua cái tháng ba rồi. Tháng của những chênh chao trong lòng, đôi lúc sự đơn lẻ chênh vênh rồi luyến thoắn đã qua rồi đấy. Bao nhiêu yêu thương cứ nhẹ nhàng lướt dáng với nhịp chảy của thời gian rồi ta thật sự ngỡ ngàng, một năm vẫn bốn mùa thay lá với những sắc màu, cung bậc cảm xúc khác nhau. Một năm với nhịp chảy đều đặn của thời gian, người vẫn cứ bao vui buồn xen lẫn, nước mắt hạnh phúc hay khổ đau vẫn hoà quyện với nhau rồi nhịp dẫn bước tiếp.
 


Tháng ba. Vậy là đã đi rồi một mùa nữa. Hoa sưa đã rộ vàng cả một góc trời trong ánh nắng dạt dìu nhẹ nhàng. Cái màu vàng rực rỡ kia lại trở về trong sự thân quen háo hức trong lòng. Vẫn cái màu vàng óng trong niềm vui với sự đến và ra đi ngắn ngủi. Mới những ngày trong khí trời ấm ướt, vẫn quen gọi là ‘trời ủ hoa sưa” chỉ một đêm ngủ yên lành sáng mở mắt thức giấc đã ngỡ ngàng nhìn lên những cây hoa sưa đã rực rỡ trong lớp áo hoa vàng. Bao con đường quê thân thuộc lại được tưới lên màu hoa vàng mới, chênh chao hương hoa cứ thoang thoảng, nhẹ nhàng bâng khuâng cả một không gian.


Hoa và cây cứ như một chứng nhân lặng lẽ với bao cung bậc xao xuyến đến rồi đi. Cuộc đến bất ngờ rồi lại lặng lẽ ra đi. Chỉ mới có vài ngày mà những tán hoa đã rợp vàng cả một khoảng rộng dưới đất, ngước nhìn lên tán cây mới hôm qua thôi ta còn giật mình với mùa hoa sưa rồi tiếng “chao ôi” còn bậc lên với sự hồ hởi nay lại chỉ còn lại lát đát vài hoa. Một đời hoa vẫn ngắn ngủi như ngày nào. Vẫn cuộc đời ấy, vẫn cái mải mê làm đẹp rồi âm thầm quay đi để lại chút ngỡ ngàng, quyến luyến hoa sưa vì cái nét đẹp bình dị, thanh tân hằng năm chỉ đến trong khoảnh khắc ngắn ngủi.


Như một sự ước hẹn của bao Tháng ba. Cái màu vàng của hoa trong nắng lại về vào những ngày cuối tháng. Cái sự dịu dàng ấy đến vào giữa sự chuyển đổi của tháng, bất chợt đến để rồi mãi mê ra đi không một lời. Chỉ vỏn vẹn vài ngày. Một đời hoa ngắn ngủi.  Thoáng chốc trong những nụ hoa sưa vàng xanh như màu lá hôm nào vẫn được e ấp, chỉ cơn mưa dạt dào nhẹ lại được đánh giấc với sự trở về vội vàng của hoa sưa, dưới đất lại có một thảm vàng bình yên. Đời hoa ngắn ngủi. Dẫu hoa gì đi nữa khi khoe sắc luôn đẹp trong nụ cười và trong mắt đời nhưng khi tàn rụng vẫn chỉ là rác mà thôi. Hoa tàn rụng tạo một lớp yên bình dưới đôi chân ta, bao vết xe, chân trần giẫm đạp lên hoa nhưng vẫn cái màu vàng trong thuỷ chung ấy không hề trách móc mà bình dị đến yêu.

Hạnh phúc bình dị cứ rộn ràng trong từng cánh hoa sưa bay, thanh khiết nhưng mỏng manh. Mãi một đời sống trọn vẹn với đời để tô điểm nhưng vẫn cháy, thể hiện hết mình.

Thời gian cứ chuyển động đều đều. Bao bước chân sẽ in trên con đường và hoa lại như một nhân chứng cho sự đến và đi. Vẫn hương hoa dịu dàng, nồng nàn. Cung bậc của hoa sưa lại bay đi theo từng cơn gió mãi đến năm sao mới quay trở lại. Tạm biệt nhé hoa sưa, hẹn mùa sau lại về!

Lòng thấy bâng khuâng không nói nên lời!



Hoa sưa và những giọt mưa còn đọng lại.


 



                                       Chùm hoa sưa



Hoa sưa trên đường Trần Hưng Đạo của Tam Kỳ yêu thương.


 


Sưa vàng trên đường Trần Hưng Đạo.jpg


Hàng sưa này còn nhỏ được trồng trên các con đường của Tam Kỳ.