Vẫn cứ tưởng tuần nay có số tiết học ít nghĩ rảnh lắm đây. Mà không ngờ hoá ra chẳng rảnh tẹo nào mà ngược lại cũng có sự tất bật như những tuần trước. Đang thẩn người ngồi xem mình sẽ làm gì trong những giờ không đến lớp học thì được thông báo đi tình nguyện giúp dân gặt lúa ở Tam Phú. Ban đầu thấy háo hức thật, có việc làm cho bớt thấy nhàn rỗi rồi đây. Sáng hôm sau phải dậy sớm, một thau đồ chất ngất đến lơ cơm đang đợi, gớm sao những lúc vội vàng thì công việc lại sắp lớp thế này cơ chứ. Việc nhà thì cũng phải nhúng tay làm thì mới đi làm những việc “không cơm” mới thấy hay hay nên còng lưng giặt hết thau đồ cho cả nhà mà cũng chẳng kịp phơi phải nhờ má phơi giúp. Lại nhúng tay làm vài thứ linh tinh nữa thì nhìn đồng hồ đã 6h15 mới hoảng. Chưa kịp ăn sáng, mua vội cái bánh mì vừa cong lưng đạp xe vừa ăn cho có năng lượng mà làm việc nữa.
Thông báo là 6h có mặt để xe đến đón mà lại đi đến trường gần 7h đang lo không biết sao nữa. Vừa dắt xe đi gởi thì xe chạy, vừa chạy vừa gọi theo, cảnh gì mà khổ thế không biết cơ chứ. Cũng may xe cũng nghe dừng lại không thì trớt quớt rồi. Lên xe ngồi cười hì hì, anh Thắng lại chọc “cũng không ra chi”. Biết là đi gặt lúa chìm trong nước nên chuẩn bị dụng cụ để đề phòng với lũ đĩa đói chắc chắn sẽ gặp trong mớ lúa chìm trong nước. Lên xe nhìn ai cũng sạch sẽ, gọn gàng như đi du lịch tự nhiên thấy mình giống người ngoài hành tinh rơi tõm xuống.
Xe dừng đến nơi thì đã có người của chính quyền địa phương cũng với một số bà con đợi sẵn. Thấy cũng khi thế lắm cơ, nhưng lúc chia nhóm và phân công nơi gặt thì có một bà cụ đến nói chuyện tự nhiên ai cũng ngơ ngác nhìn nhau như xét lại mình thì phải. Bà cụ ấy nói, “mấy con có thấy gặt được thì làm còn không thì thôi, ruộng ở đây đĩa nhiều mà có mùi thối nước ngứa lắm đấy”. Nhưng cứ tưởng ai đó sẽ lùi bước nhưng không, vẫn đầy sự nhiệt tình, từ nơi đỗ xe đến cánh đồng cần gặt khá xa.
Khi đến nơi gặt tất cả như hiểu được những lời nói của bà cụ lúc nãy, lúa ngập chìm trong nước mà cả cánh đồng hầu như gặt chưa được bao nhiêu. Số sinh viên chưa biết gặt khá nhiều, hầu như tất cả đều sinh ra và lớn lên từ gốc gạ nhưng trong đợt tình nguyện này lại trớ trêu là toàn là ở nhà làm “cậu ấm, cô chiêu” khá nhiều. Nhưng khi nhúng tay vào làm quen công việc của một người nông dân thì có sinh viên lại thích thú, lại thấy vui dù rằng những bộ áo quần mặc lúc sáng đã lấm lem bùn đất. Gặt lúa trong nước, có lúc phải lần mò trong nước để đi tìm mớ lúa gặt.
Trong con mắt nhìn thấy của tôi thì lúa chẳng còn màu vàng mà thấy nó là màu đen, không có sự óng ánh mà lại một mớ lúa hư, những hạt lúa căng tròn không phải mà lại những mớ lúa của sự xót xa, tiếc, đau đớn cho những giọt mồ hôi bao ngày tháng đã rơi. Gặt lúa trong nước, khi bước chân xuống ruộng thì nước đã đến nửa người tôi, cái khom lưng cắt lúa thì chẳng thấy cái bóng dáng của mình nữa. Một chút gì đó hiểu được nỗi nhọc nhằn luôn hiện lên bao ánh mắt của người dân nơi đây. Nhìn những sinh viên lần đầu làm công việc chưa bao giờ nghĩ đến nhưng vẫn đầy sự nhiệt tình và cố gắng, cũng có người bị đứt tay, thấy đau nhưng một lát rồi lại lao xuống làm tiếp.
Không chỉ có sinh viên tình nguyện của trường mà còn có sự tham gia của dân quân và bộ đội nên nhìn cả cánh đồng rộng mênh mông là một màu xanh, màu xanh của tình nguyện, thấy tươi vui. Gớm cũng là chuyện mấy anh dân quân, đôi lúc thấy bộ dạng cậu ấm quá thì tức cười nhưng sau thấy cũng khá hơn chút. Nhìn đôi chân trắng nõn nà còn hơn con gái, nhất là mình nè, thấy ớn. Chưa bước chân xuống ruộng mà đã đâm ra hỏi mình có đĩa không rứa. Tôi chỉ cười, lắc lắc cái đầu nhưng vẫn cứ tưởng kiểu này chắc đi chỗ khác rồi đây, nhưng ngược lại cũng bước chân xuống ruộng cắt lúa. Cười nói với một chị chủ nhà của đám ruộng, lần đầu tiên em đi gặt đây chị ạ, nên không biết chị chỉ em nha. Đôi tay cầm mớ lúa gặt cũng vụng về, rồi cái kiểu cách sợ ướt đồ nữa, rồi cả cái sự hay dòm ngó ở cái chân sợ có đĩa bu vào nữa. Khi gặt xong đám hai sào thì bỗng đâu có một con đĩa xuất hiện bu vào chân của một anh dân quân, làm cả bốn anh đang dưới ruộng nhảy lên bờ hết, la lớn nhờ chủ nhà gỡ giúp. Cái vẻ mặt hốt hoảng đến buồn cười, nhưng cũng thấy thương thật. Ở nhà quen được nuông chiều, chưa bao giờ đụng tay đến những việc thế này mà hôm nay lại phải lội bùn, bương nước lụt, nước bạc để cắt lúa, thứ nước lâu ngày trong lúa đã làm cho cây lúa mục nát, có mùi hôi thối khó chịu và ngứa ngáy này nữa.
Cây lúa vớt vát về cũng không đem suốt được mà phải ngồi tuốt từng bông một với hy vọng được hạt nào hay hạt nấy, không ăn được thì cho heo để cứu vớt cái khó của những ngày mưa sắp đến. Có nhà cả mẫu ruộng mà vẫn chưa lấy lại được hạt lúa nào, có nhà thì vớt được khoảng một hai sào lúa nhưng bị mộng hết, nên hạt gạo nấu cơm có vị đăng, đen sì. Cái giấc mơ bao đời nhỏ bé của những con người chân lấm tay bùn là có đủ cơm ăn áo mặc, bương chải để nuôi giấc mơ cho con mình bước chân đi tìm cái chữ nhưng vẫn sao có lúc lại nhập nhằng và xa thế. Cái ước mơ giản dị mà có lúc lại khó khăn, vẫn cứ hy vọng, vẫn còn phải nhờ sự thương xót của ông trời. Tôi lại đâm nghĩ xa hơn chút đó là cái Tết của những em thơ, của những gia đình này sẽ sao nhỉ??? Có lẽ tôi là đứa điên điên nên mới có ý nghĩ dở hơi đó. Nhìn các thầy cũng lao vào gặt, nhìn những bạn gái trong đoàn đi mà không chỉ gặt mà còn cả việc bó lúa, vác lúa ra xe cũng thành thạo. Thấy vui khác hẳn, như giúp một phần nhỏ cho những con người nông dân nơi đây.
Nhìn hạt lúa đen sì, rơm nát nhàu trên khắp các con đường ở làng quê này tự nhiên có chút gì đó xót lắm, thương lắm. Nhìn nụ cười hồn nhiên vô tư của em nhỏ không có sự trong trẻo mà ngược lại trong ánh mắt ánh lên chút lo lắng cùng bố mẹ chúng. Nhà tôi cũng mới gặt xong, lúa năm nay thất bát khá nhiều cái thiếu ăn, lo cơm áo chật vật vẫn còn diễn ra với gia đình tôi, nhưng không ngờ mình vẫn còn hạnh phúc chán, còn có cơm ngon hơn, hạt lúa vàng, hạt cơm trắng ngần. Hạnh phúc hơn những người ở nơi đây.
Đến chiều, khi lên bờ để ra về, tôi thẩn thờ vì mệt trên những con đường đầy lúa, đầy rơm, cái mùi thối, hôi, tanh đang lan toả ra thì Bí (bạn học cùng lớp) chạy đến nói chuyện. Ở nhà lăn với ruộng lúa nhà chưa đủ hay sao mà còn đi hả nhỏ, bon chen cho lắm vào. Tôi chỉ kịp ừ hử, mới gặt ở nhà mà cũng ruộng lầy nên lúc sáng đi vẫn còn đau lưng và mỏi chân lắm mi à. Không ngờ xuống dưới này vẫn còn sức để làm. Xong Bí lại đến thầy phụ trách dẫn đoàn sinh viên đi, coi bộ D giống dân gặt lúa chuyên nghiệp nhỉ? Vì thầy nhìn thấy đôi găng tay, rồi cả bộ đồ đang mặc là đồ lao động mượn của má. Hì… hì…mệt thật, mệt đến nhừ người.
Trong bộ dạng đi về trong lòng vẫn sợ bí má la nhưng khi về đến nhà thì đứa em trai đã nói chuyện liền. Chị hai đi giúp dân mà mặt mũi tái xanh, không còn chút máu kinh rứa. Tôi mới tròn mắt nhìn, ủa răng biết rứa. Không chỉ em mà má cũng biết đó, tại chị hai đi lúc sáng mượn lưỡi hái cắt lúa là má nghi rồi. Lại cười hì…hì…
Tối về nhà nước da nóng hầm hầm khắp người, nhất là hai cái chân mỏi nhừ. Tưởng sáng hôm sau đi không nổi nữa mà không ngờ vẫn lại ham vui mà đi. Tham gia lễ mitting hưởng ứng “làm cho thế giới sạch hơn”, ở biển Tam Thanh cũng nhảy đi, xong về rồi lại lao đi gặt lúa tiếp. Đúng là kẻ “chuyện nàh thì nhát mà chuyện cô bác thì siêng”.
Đi trên những con đường về nhà được thả hồn theo những cọng rơm vàng thơm, nhìn những hạt lúa vàng phơi trên sân, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều. May mắn hơn trong cuộc sống. Cảm ơn những gì mà cuộc sống đã dành cho tôi…Lại kết thúc một đợt “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đầy niềm vui….
Giờ thì tôi hiểu vì sao sự nhọc nhằn của những con người lao động, rồi những sự chật vật trong cuộc sống, rồi những lo toan.