Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Đàn bà...

 


Chiều. Ánh nắng yếu ớt của một ngày sắp tàn. Những cái quán, cái sạp nhỏ ở chợ liêu xiêu. Cơn gió cuối mùa thoảng qua mang theo một chút thoáng chia xa. Những người bán hàng chợ vẫn cứ ngồi đó như để mong chờ một ai đó sẽ mua, dù ánh nắng của một ngày sắp tàn. Ánh nắng yếu, những cái thau, cái rổ được chặt lên xe cũng liêu xiêu như một sự dễ đổ vỡ lúc ngày tàn. Cơn gió cứ thổi liên hồi, không mạnh, không yếu nhưng đủ để ta nghe gió lướt qua làn da đầy bụi của một ngày lê lết ở chợ. Dáng ai ngồi đó, một dáng người nhỏ bé với đứa con nhỏ.


 


Nét già dặn của một người trước tuổi, chợt nhận ra nhau nhưng lại né tránh ánh mắt nhìn nhau. Tránh sự thương hại của một người bạn đúng không nhỉ? Tránh vì nhiều lý do nữa mà, bằng tuổi mà đã có sự già nua của một người đàn bà, cái vẻ mặt tiều tuỵ, cả ánh mắt buồn nữa. Buồn cho sự vội vàng trong một cuộc sống mới của một đời người, từ con gái bước sang cuộc đời của một đàn bà chăng. Tự nhiên thấy thương khi nhắc đến hai chữ  “đàn bà”. Người đàn bà gầy, đang bế con với hàng bán của mình có khi nào trách hai chữ “đàn bà” mình phải mang quá sớm không?


 


Người đàn bà nhỏ ấy đã đi rồi, đi xa để lại tiếng khóc nỉ non của đứa con nhỏ dại. Một sự ra đi không hề biết trước, mà khi đó có nghĩ đến sự bội bạc của nguời chồng trẻ đã bỏ đi để lại nhọc nhằn của một gia đình trên vai mình phải gánh. Những trận đòn vô cớ, những câu chửi đến tê buốt. Mà biết đâu sự chết là điều giải thoát sớm cho người đàn bà, cho nỗi đau mình sẽ không gánh nhiều.


Bỗng chốc lại nghĩ vẩn vơ, thương đến dáng gầy bé nhỏ, hai vai nặng gánh nặng mang. Rồi cả cái tận hưởng hạnh phúc nhỏ nhoi của mình bên chồng, bên con. Cái gọi là sự cam chịu của người đàn bà đôi lúc cũng mang đến một sự giận hơn thương. Giận cho sự cứ cố chịu đựng của mình, cố dành những gì đau khổ nhất, tủi hơn nhất đến với mình.


 


Một bữa nhậu của ông không bóng dáng đàn bà, một bữa cơm đầy cá đầy thịt nhưng người đàn bà bao giờ cũng nhường hết, cũng ngồi ăn lại sau. Có bao giờ ai đó giật mình nhìn lại mà thấy thương hơn vợ mình không nhỉ? Thương cho đôi tay không ngừng nghỉ làm việc, thương đến cái dáng gầy còm, bàn tay chai sạn bởi sự nhọc nhằn. Cái dáng nhỏ bé ấy lại dẻo dai lắm cơ, lại bền bỉ với mưa, với nắng để chăm chút, vun vén cho mỗi ngày.


 


 



Tại sao lại gọi là “đàn bà”, sao những người đàn bà bao giờ cũng sống hết mình cho người khác. Đã mang thân đàn bà là thế mà. Bỗng dưng em lại cực đoan khi nhìn nhận đến vậy. Cõ lẽ do thương rồi có cả sự giận cho sự gọi là cam chịu của đàn bà. Bao nhiêu năm cứ lầm lũi, im lặng sống riêng cho người khác, cứ lặng lẽ để dành hết trao hết cho gia dinh. Rồi gọi đó, rồi bằng lòng, rồi chấp nhận đó là hạnh phúc.


 


Có bao giờ họ sống riêng mình cho mình một ngày không nhỉ? Vẫn thế, vẫn miệt mài vẫn cứ bóng dáng quen với nắng, với mưa với sương gió ngoài đồng. Rảnh tay là lại đi làm việc khác. Đã thế rồi mà có lúc muốn mua cho mình một cái gì đấy cũng hỏi, cũng xin. Sao mà lại làm mình yếu đi rồi, dẻo dai lắm mạnh mẽ lắm mà lại làm cho một sự xót thương rồi giận nữa.


 


Đàn bà là hãy sống yêu thương, rồi bao dung, độ lượng nhưng hãy yêu hơn đàn bà nhé. Yêu người bên mình để mà tự thấy rằng mình cần, cái đẹp bên ta hãy nắm lấy. Yêu hơn hai chữ “đàn bà” rồi sẽ phải mang nếu đã sinh ra. Chấp nhận cho sự lặng lẽ của chính hai chữ ấy nhé! Ôi! Mang thân đàn bà….Có cả sự nợ mang.....


 


mask

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Ban mai và giọt sương

Cái ánh nắng ấm, nhẹ nhàng, sáng sớm là một hơi lạnh choàng qua vai. Ta đã ngỡ nhìn lại sang đông rồi. Sẽ là cái lạnh có sự ngọt ngào nào đó không nhỉ ? Đông đã gõ cửa rồi, và thu sẽ ra đi, đã thành quy luật không chối bỏ được rồi. Nhưng sao vẫn thấy yêu cái ánh nắng hiếm hoi của mảnh đất khi sang đông là mưa triền miên. Yêu cái nắng này lắm, không oi bức, không gắt gao, nhưng lại đủ để ta thấy ấm lắm.


 


Những giọt sương sớm đã chào đón trên các chiếc lá, chúng nhẹ nhàng, không kiêu sa mà lại có nét gần gũi. Ta cứ muốn những giọt sương nhỏ bé ấy hãy to lớn ra để có thể đủ sức mà soi mình. Yêu lắm cái ánh nắng ban mai chiếu rọi, đủ để ta vươn mình yêu cái cuộc sống này hơn. Ánh nắng cho em yêu cuộc sống này hơn, em muốn dang tay ôm tất cả vào lòng. Ai cũng bảo em tham lam lắm, vì em muốn dành riêng cho mình và mãi mãi ngày ngày sẽ được nhìn thấy cuộc sống yên bình này.



 


Những giọt sương bé nhỏ kia đã được tích tự trong bóng đêm sâu thẳm, chúng cô đơn âm thầm lặng lẽ không có ai nhìn thấy được sự ra đời của nó. Nó chào đón cuộc sống, ánh sáng của cuộc đời nó khi ánh nắng ban mai chiếu rọi. Lúc đó nó cố gắng để bản thân mình hiểu rằng, nó đã tìm kiếm gì cho cuộc sống này. Rồi tự nhận mình yêu cuộc sống này lắm, dù rằng bên nó vẫn lẻ loi, vẫn đơn côi một mình được sinh ra với bóng đêm buốt giá. Nó với một cuộc sống ngắn lắm, nhưng vẫn tin yêu vẫn hy vọng và ánh nắng càng mạnh bạo với cuộc sống là nó phải lùi đi, phải bước đi trong cái lặng lẽ để nhường cho một cuộc sống mới. Và nó lại chìm sâu trong đêm, với những chiếc lá khẽ nhẹ nhàng bình yên trong giấc ngủ.


 


Nó vẫn chờ đợi, nó nhìn lên sâu xa với màn đêm là những vì tinh tú. Nó cảm thấy ở tận xa xôi kia vẫn có sự vẫy gọi cuộc sống đấy. Cuộc sống là phải biết tin, biết yêu, biết gõ cửa chào đón không nên cứ bó buột mình trong những điều sầu muộn. Và giọt sương muốn gõ nhịp cuộc sống cùng với ánh nắng của một ngày mới. Khởi đầu cua một cuộc sống mới, và một tình yêu mới đang chào đón. Nắng lên sương ta thế thôi. Cuộc sống của những giọt sương kia chỉ gói gọn trong bóng đêm ngắn ngủi và khi mặt trời ló dạng là điềm báo nó phải tan đi, nó hải chia xa với những gì nó yêu mến khi đã âm thầm đón nhận riêng mình. Thế nhưng dù thế nó vẫn bằng lòng, không hề mang trong mình chút oán giận với cuộc sống của nó. Nó hiểu cuộc sống này ngắn ngủi, tình yêu luôn lớn, nó phải vững tin nhất dù rằng nó có ra đi, rồi cả bước chân nó đến cũng lặng lẽ. Giọt sương vẫn nở một nụ cười đẹp nhất, nhẹ nhàng nhất khi ra đi.


 


 


Cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp, lúc ta có được hạnh phúc thì ở đâu đó vẫn có những con người chịu sự đau khổ. Cái hạnh phúc đôi lúc tưởng chừng như xa xôi nhưng rất gần, có lúc ta tưởng đã nắm vững trong tay nhưng lại trôi tuột lúc nào không hay. Hạnh phúc có lúc mong manh, nhưng cũng rất gần. Rồi cái gì đến sẽ đến và cái gì đi thì sẽ đi. Những tia nắng đẹp đã bắt đầu soi trên chiếc lá, chiếc lá đã choàng tỉnh giấc trong một đêm dài bình yên say giấc. Trong ánh nắng những giọt sương càng long lanh, càng tự tạo cho mình đẹp hơn khi nấp mình trong lá, dù rằng nó biêt chốc lát sẽ tan đi. Rồi lá cũng hiểu được nét đẹp dịu dàng của giọt sương. Lá tự vươn mình che chở cho những hạt sương bé nhỏ ấy, để giọt sương nấp mình một lần trong lá. Rồi lá và sương lại cùng hiểu nhau qua một sự không lên tiếng, trong giây phút ngắn ngủi nhất của giọt sương.


 


Ánh nắng đánh thức chiếc lá, cho chiếc lá thấy được giọt sương, và ánh nắng cũng làm cho giọt sương thêm đẹp hơn, thêm đáng yêu hơn. Nhưng rồi giọt sương cũng phải tan đi dù lá muốn che chở cho giọt sương. Sương ra đi lặng lẽ không tiếc nuối vì đã sống hết mình và cảm thấy với chính mình cuộc sống thế là đã đủ rồi.


 



 


Và ta cũng đừng có đi tìm hạnh phúc ở đâu xa lắm, nó chính trong tay ta, quanh ta đấy. Chỉ cần ta biết đón nhận, đừng cố mở ra những trang sách cũ kỹ rồi tra tìm chính mình để rồi đi tìm. Như vậy ta sẽ làm mật một chặng đường để đón nhận rồi, hãy tự mình viết lên những trang sách nhé....Và em sẽ mở cửa tâm hồn nhiều hơn nữa để đón nhận bình minh, để đón nhận cuộc sống. Sẽ quý trọng hơn những gì em có, đã có và hy vọng sẽ có để trân trọng hơn. Hoà mình vào những điều tốt đẹp nhất để thấy lòng mình nhẹ nhàng nhất. Và mãi là chính em nhất...Và sẽ bình yên không chút ưu tư, oán hờn....


 

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Rỗng....?

Rỗng, đầu em giờ rỗng tuếch không một gì trong đầu. Chán ghê một ngày cứ ngồi lý ôm máy rồi ngó, rồi nghiêng người. Có lúc ôm máy rồi hí hửng cười đến hả hê trong một góc ở thư viện. Đến những sinh viên ngồi cùng dãy máy cũng thắc mắc, nói nhỏ với nhau “chị ấy đọc cái gì mà cười hoài thế”. Thế mà, có người bảo em hay dở chứng thất thường, em hay thu mình một góc để mà tự thưởng coi như đó là sống cho riêng mình. Có lúc cười, cũng có lúc mắt cay cay, nước mắt đâu tự nhiên tuôn ra hai hàng.


 


Rỗng, với em giờ là rỗng thật. Em thấy có chút gì đó của chính mình khó hiểu lắm. Em vẫn cú kiến tạo nên một ngôi nhà, một thế giới riêng mà có lẽ chưa ai đủ sức để hiểu em đâu. Em luôn có những giấc mơ, nhắn nhủ bao điều với chính mình. Rồi tự nhiên lại thấy xa với mình thế. Lại nữa rồi, lại khó hiểu của tôi ơi rồi. Khó trong từng câu chữ lúc này, khó quá, cứ bay nhảy tận đâu. Cái đầu như muốn căng ra đến khó chịu. Em cứ dặn mình lại “im nào, ngay ngắn lại tư thế của chính mình nào”


Có chút gì đó tự nhiên em muốn ngừng nghỉ với mọi thứ, em lại vớ vẩn. Em lại nhảm, lại im lặng, lại kiệm lời như bao ngày.


 


Đấy là gì lúc này, cũng Blog đấy thôi mà em được cười nhiều hơn, được thấy yêu thương hơn. Blog giúp em vững tin, giúp em nhìn nhận cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp. Em càng trở nên già dặn trong lối suy nghĩ. Biết thế mà giờ em thấy rỗng thật, em rỗng trong ngay cả em viết vội vã vài dòng này.


 


Blog em yêu một thời, một thời em có những cuộc gặp gỡ đến bất ngờ, rồi có cả những sự tình cờ đến không tin vào mắt mình. Thế đấy giờ lại thấy mình rỗng trong cả cách chia sẻ lẫn nhau, động viên nhau rồi. Sao vậy chính em, đang nghĩ đến những gì mà tự hành nhau thế, em muốn rời để hiểu hơn hay là loại bỏ chính những gì mình đã cô tạo dựng bấy lâu hả. Đừng thế chứ em hãy vững nào. Thế đấy, vẫn rỗng vẫn cứ im lặng trong từng câu chữ lúc này. Khó hiểu lắm đấy!


 


Vẫn thế, rỗng... và... rỗng....


 


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Với đứa con....

Đêm chìm sâu hun hút. Ngoài kia là tiếng vọng âm của những bản đồng ca của ếch nhái miền quê. Màn đêm tĩnh mịch, một màu đen huyền. Có lẽ lúc này âm thanh của mưa rõ nhất, mưa mang đến hơi nước lành lạnh trên các khung cửa. Để tự xoa mình, dỗ mình vào giấc ngủ tôi hay để bên tai mình là nhạc. Vẫn những bài hát cũ rích nghe đi nghe lại mà vẫn không thể nào bỏ được. Tự nhiên nghe đến bài “Ru con tình cũ” của Đinh Trầm Ca, tự nhiên chạnh lòng một chút, tự nhiên trong đầu nghĩ đến gì đó mà có lẽ cũng khó hiểu ngay lúc này. Cái giọng hát của Khánh Ly cứ vang mà tự nhiên ở đâu đó trên khoé mắt lại cay cay.


 


Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng


 



 


Liệu có dễ dàng nào quên đi tình yêu của mình không. Nghe mà nhớ lại câu hỏi lúc chiều của má “mấy bữa ni cái thằng ấy có đi ra với chị không”. Thế đấy, tôi chỉ nhếch cái miệng cười đầy sự chua chát trong đó, có nhiều cách để đổ lỗi cho sự ra đi, cho sự chia tay và không thừa nhận kết quả tình yêu mà. Quá nhiều đi chứ! Tôi thì với cái cách dở điên nên đôi lúc nếu như chính mình trong cái vòng tội ấy thì sẽ cười, cười sảng khoái nếu như hắn chối bỏ, rồi chấp nhận đối mặt với những khó khăn, sẽ cho thấy rằng mình vẫn hạnh phúc.


 


Tôi biết rồi chị sẽ chẳng khác gì trong lời bài hát mà Khánh Ly đã vang bên tai tôi thế này Ngồi ru con như ru tình sầu - Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay - Cho lòng này dài những cơn đau” Sẽ là thế, mà lòng nhìn con mà sẽ rơi những giọt nước mắt xót xa. Có cả chút tủi hờn cho chính mình.


 


Đêm sâu là lúc ta cảm nhận rõ mọi âm thanh đang ở quanh mình. Nơi căn nhà nhỏ nằm ở giữa cánh đồng có tiếng ru con, tiếng ru của một người mẹ lỡ lầm cho cuộc tình duyên của mình. Tự nhiên buột miệng nhớ đến bài thơ “Với đứa con ngoài giá thú” của Vương Trọng. Ở đâu đó giữa cuộc sống bộn bề này vẫn có những đàn bà như thế, những người đàn bà mang tội “không chồng mà chữa”. Để rồi họ mãi gánh cái tội ấy đi suốt cả cuộc đời. Những người đàn bà không nhan sắc, không yêu kiều bị phụ bạc để lại cho chính họ cái tội buồn nhất của cả một đời người con gái, một đời người đàn bà.


 


 Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ
Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con
Mặc người đời gọi con ngoài giá thú
Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn.

Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ
Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường
Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa
Hạnh phúc nào bằng san sẻ yêu thương.

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!

Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước
Người ấy đi như trốn chạy nợ nần
Thèm trái chua, mẹ trùm chăn ăn lén
Sợ mắt người như sợ mũi kim châm…

Sinh con ra, mẹ vẫn nằm giường một
Có khác chăng là kê lại góc phòng
Ngày nghỉ đẻ phải trừ vào ngày phép
Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong.

Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thức
Mẹ đi làm, con lên địu đi theo
Mẹ đào hố trồng cây theo định mức
Lưng mẹ gầy con ngủ giấc cheo leo!

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió, trở trời
Ngoài giá thú sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi?


 

Click the image to open in full size.


 


 


Là ai thì cũng mong mình có một hạnh phúc, một mái ấm gia đình. Nhưng sao vẫn có những cái nỗi khát khao bình dị ấy lại xa vời, lại quá xa tầm ao ước. Nỗi đau của những người đàn bà như thế họ vẫn chấp nhận, nhưng vẫn thương đến những đứa con tội lỗi của chính mình. Sống mà vẫn mang tiếng là “con ngoài giá thú”. Có những đứa con không biết nghĩ chúng lại đâm ra ghét, giận người mẹ đáng thương của mình. Thế đấy, nỗi đau vẫn cứ ẩn hiện lên cái vóc dáng, lên đôi mắt u buồn của những người đàn bà như thế.


 


Tôi không nhắc đến tình mẫu tử trong bài thơ mà chỉ nghĩ đến cái đau, cái khổ của những người đàn bà trong gia đình đơn thân như thế này thôi. Có bao giờ họ đem đến cho mình một sự oán giận người tình bội bạc kia không nhỉ? Còn tôi lại nhớ đến chị, đến đứa con nhỏ dại mà chị đã sinh ra. Nghĩ đến cái nỗi nhọc nhằn một mình âm thầm chịu đựng, cái dáng người bé nhỏ ấy đã hằn in bao sự chịu đựng của mình. Rồi cả cái sự già nua so với cái tuổi hơn ba mươi của chị.


Những đứa trẻ sinh ra như thế nó cũng mang trong mình một sự tủi hờn không gì bù đắp nổi, rồi cả cái sự mặc cảm nữa. Tại sao trong tình yêu lại không sống có trách nhiệm với nhau. Rồi cả cái dáng dấp của những người gây tội, chạy trốn, lẩn tránh vô tâm, vô tình. Tại sao giọt máu của chính mình lại tự vứt bỏ chút không chút xót thương, sao không nghĩ đến nỗi bất hạnh của sự kết nối tình yêu. Hay đó mà chỉ xem là sự ngu dại của một thời tuổi trẻ nông nổi.


Rồi bao nhiêu cuộc đời tội lỗi trong tình yêu đã ra đời để rồi lớn lên với những giọt nước đắng chát mang theo. Rồi cả những người đàn bà đã ngu dại phải mang đến suốt cả cuộc đời. Những người đàn bà tự mang trong mình cái tội cay đắng nhất.


 


Và đêm chìm sâu, vẫn tiếng ru đến cháy lòng cho những người lỡ dại.


Tiếng ru con như gánh cả tội tình của mình. Ru con tình sầu….

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Vai diễn...!

Tôi vốn là đứa không hay tin vào sô mệnh. Nhưng chỉ là nói qua loa với cái giọng chạnh chẹ này thôi. Ngồi nhìn những dòng lá vàng đang trút vội vàng để cho đông sang, nhìn chúng đỗ ào, rồi nhẹ nhàng khẽ khàng rơi. Rồi cả cái dáng dấp của lá như còn tiếc nuối, muốn níu kéo lại chút gì đó thì phải. Con người sinh ra đều đã được định dạng ở một lá bài gọi là “số”. Có người còn nói là “đôi dép còn có số nữa huống gì con người”. Cũng có một chút gì đó đúng lắm. Mỗi cuộc đời của chúng ta, có lúc bước đi cũng lắm chông gai, cũng có cả sự huy hoàng. Như thể là “đời lên voi xuống chó” là chuyện bình thường khi ta đã đến với cuộc đời này rồi.


Photobucket


 


Mỗi con người sinh ra đều là một diễn viên theo đúng nghĩa. Với vai trò là diễn viên luôn cố gắng hoàn thành vai diễn của mình trên sân khấu rộng lớn và đầy cam go của cuộc đời. Người diễn viên có lúc nhập vai đến không ngờ, có lúc khóc lóc, đau khổ đến tuyệt vọng, rồi cả những hạnh phúc vỡ oà trong tim. Bởi thế mới nói rằng ở cuộc đời này lắm sự đau đớn, đam mê, buồn, vui và cả hạnh phúc. Thế đấy, sân khấu cuộc đời luôn đòi hỏi mỗi diễn viên như chúng ta cần phải hết mình với vai diễn của mình, phải hoàn thành cho đến khi nào đến kiệt sức mới thôi, vì không cho phép chúng ta bỏ dở giữa chừng. Khi ta ở nhà, sống cùng với gia đình thì phải nhập vai mình là một người con trong nhà. Những khi ra gặp bạn bè thì là vai trò một người ngang nhau, không ai là kẻ thấp người cao cả,...Người diễn viên phải nhập vai và biến hoá để phù hợp với từng màn diễn, từng vai trò của mình trên sân khấu ấy.


 


Và khi ta là vai trò của một người diễn viên, đến với cái tuổi gọi là trung niên. Thì lúc này ta lại đứng trên cái dốc của cuộc đời, lại quay sang nhìn lại. Vẫn cái dáng ngồi, vẫn cái ánh mắt nhìn xa xăm, không hồn như nhìn thấy đời mình đã đi, đã diễn giờ lại dừng quá sớm. Người đàn ông này từ khi về với mảnh đất quê hương, mảnh đất nơi sinh ra để dừng chân trong suốt những chặng đường đã đi. Không nơi đâu bình yên bằng đất quê hương, bằng cái nơi ta đã sinh ra và lớn lên. Khi người ta đến cái tuổi trung niên lại đối mặt với một thời kỳ khủng hoảng tâm lý. Vì ở giai đoạn này người ta hay nhìn lại quá khứ, chặng đường mà mình đã đặt mục tiêu và xây dựng lên đã hoàn thanh như thế nào. Có người thì mãn nguyện sung sướng, có người thì sống và cảm thấy mình quá hạnh phúc khi đã đạt được những gì đã hướng đến và đặt ra. Nhưng cũng có người chán chường, mệt rã rời. Ở cái tuổi này người ta lại nhìn thấy những gì được mất trong cuộc đời, những gì đã đến và đã đi với mình. Thế đấy! Cuộc đời là một chuỗi dài hành trình mà mình cần phải đi.


 


Với người đàn ông kia, tuổi trẻ rời quê nhà đi lập nghiệp nơi khác. Và rồi khi trở về mảnh đất nghèo này lại có thể mãn nguyện vì mình đã có những gì đã tự hứa từ khi ra đi. Một đại tá công an ở một tỉnh với màu đất đỏ badan. Rồi cả một sự nghiệp, một cơ ngơi đồ sộ khi hằng năm thu được hàng tỷ đồng từ cà phê. Nhưng rồi phút chốc huy hoàng, cười rạng rỡ ấy lại chỉ trong một đêm mất hết, trắng tay từ người vợ chơi cờ bạc. Cả ngôi nhà lộng lẫy, khang trang ấy cũng bị tịch thu, vợ con dắt díu nhau lên rẫy ở trong một cái ngôi nhà tạm bợ. Số tiền lương của một vị đại tá công an ngỉ hưu non nhường hết cho gia đình chi tiêu hằng tháng và một phần nhỏ cho đứa con gái theo đuổi hết đại học. Còn ông về với mảh đất này tay trắng, về đúng nghĩa những gì ông đã đi không mang theo của quê hương giờ lại nghỉ chốn quê hương với bàn tay trắng, với ánh mắt buồn xa xăm nhìn lại quãng đời mình đã đi qua.


 


 



Thế đấy, được mất của cuộc đời ở cái tuổi này là ta thấy rõ nhất. Những gì khi ta đứng lên trên cái dốc của đời người ta cảm nhận rõ ràng nhất, thấy rõ nhất. Ở cái tuổi không còn trẻ, ta đã ước mơ như thế nào mà không đạt được là một thất bại lớn trong cuộc đời của chính mình. Cũng có người lại tìm cho một hướng đi khác, đó là tìm đến ý nghĩa cuộc đời qua tôn giáo, hay là trãi mình qua những đam mê chim chóc, cây cảnh,… Có lẽ đó là một cách để người ta làm tốt vai trò là diễn viên của mình trên sân khấu này, chính ta là diễn viên phải diễn theo biến hoá của cuộc đời mà. Có lúc ta cười, có lúc ta khóc để thấy mình trên sân khấu sống hết mình.


 



Lá thu đã trút hết, đông đã sang ta lại thêm một màn ảnh mới của bức tranh bốn mùa trong năm. Và ta lại là một diễn viên trong vai diễn ấy,... vẫn sống hết mình cho vai diễn. Vẫn sống, vẫn chết theo từng hồi nhịp của cuộc đời, của dòng chảy này.


 

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Đàn bà quê...

Theo truyền thống phương Đông xưa nay, người phụ nữ thường là "cái sân sau" của người đàn ông, là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là người "nâng khăn, sửa túi" cho chồng. Đức hy sinh là một trong những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trải qua bao đời nay, người phụ nữ Việt Nam dường như đã quen với việc hy sinh cho người khác lấy sự thành đạt của chồng, con là hạnh phúc của mình. Vì vậy, sự hy sinh của họ là tự nguyện và lâu dần thành nếp nghĩ của cả hai giới. Có lẽ thế mà họ hài lòng với chính những gì mình có, mình được hưởng trong cuộc sống gia đình và đúng hơn xem đó là hạnh phúc.


Những người đàn bà nhà quê, cái chất mặn mà, cái nước da đã rám nắng rám mưa để dành hết cho chồng cho con. Ngày đêm miệt mài, quần quật hết công việc đồng áng lại đến công việc nhà. Họ mấy khi được nghỉ ngơi, sáng mịt mờ với tiếng gà gáy đã dậy, đã nhen nhóm cái bếp lửa cho đến khi ánh nắng của một ngày tắt dần, lịm dần chìm trong bóng đêm mới có thể được gọi là ngơi nghỉ. Rồi cả cái cách khi mệt, khi khát làm một hơi nước lạnh trong cái ảng gần nhà. Rồi cả cái đôi chân quanh năm mòn mỏi trên những đám ruộng, trên cái con đường đất, trên những sỏi đá phải bước qua đã chai sạn. Cả mái tóc đen nhánh, óng mượt của thời con gái đã thay dần vào đó là mái tóc của hương nắng, của cái ướt của cái lành lạnh sương.



Thế đấy, đã qua đi tất cả cái đẹp của đời người con gái mà giờ thì lại thay thế vào đó là sự pha sương. Hết rồi cái thời con gái mơ mộng của những người đàn bà quê, mà giờ lại thay vào đó là sự vật lộn với miếng cơm manh áo, là những ngày dang dầm ở ngoài đồng. Đôi bàn tay gân guốc, mái tóc khô cứng đã được nhìn thấy cái vẻ nhọc nhằn hằn trên vai.


 


Có bao giờ ta cứ tự hỏi tại sao những người đàn bà bao giờ cũng ngồi bên cái nồi cơm, ngồi xa cái mâm ăn. Hay cả cái việc ăn cơm cháy nữa, đơn giản thế mà vẫn có một điều mà ta không hề nhìn thấy. Vẫn cứ điều đó là bình thường, là xưa nay vẫn có đều đặn nên ta chẳng hề mấy khi quan tâm. Đó là một nét, một sự nhường nhịn. Nếu như bữa cơm ấy thiếu cơm thì người đàn bà, người mẹ nhìn thấy trước tiên, và việc có thể làm để cho những đứa con và đức ông chồng no bữa đó là ăn ít lại. Ai chẳng muốn ăn ngon, ăn những hạt cơm dẻo, thơm chứ chẳng ai thèm ăn cơm cháy đâu. Nhưng vì để cho con, cho chồng no bữa nhưng cái bụng vẫn chưa no, vẫn cứ muốn ăn nên cơm cháy là giải pháp no bụng.


Cách ngồi của những người đàn bà quê, cái chân lúc nào cũng vắt vẻo một chân lên ghế. Cái điệu bộ cầm cái nón ve vẩy cũng làm ta thấy rõ nét quê mùa là thế nào. Dáng ngồi ăn, ngồi húp húp những chén canh cũng đủ để ta thấy đàn bà nhà quê đến thương thế nào.



Cả đời, cả năm chưa hề biết đi khám sức khoẻ là thế nào, rồi cả cái việc may cho mình một chiếc áo mới cũng suy đi, đếm lại kỹ lắm. Thế đấy…! Nhưng tự hỏi những cuộc vui, cuộc nhậu của các ông chồng của những người đàn bà quê có bao giờ họ chạnh chẹ nghĩ đến mình có một người đàn bà quanh năm là vợ của mình không nhỉ? Vẫn thế, cứ lầm lũi như một thân cò bé nhỏ giữa đồng, giữa đêm khuya vắng, mà có thể không vui, lúc giận của ông thì bà lại bị đánh, bị đá những cú đá vô tình, nhẫn tâm. Bao nhiêu nước mắt của người đàn bà quê đã nhoà trên khoé mắt nhỉ. Họ cứ dành hết cho người khác như thế, rồi năm tháng cứ bào mòn thân thể chỉ còn lại là một thân xác khô, như một cái cây thiếu sức sống nhưng vẫn cứ gắng gượng là thế. Vẫn mạnh mẽ, vẫn cứ lao mình miệt mài cho bếp lửa ấm nồng.


 


Với những người đàn bà quê, hạnh phúc là thế nào. Là hạnh phúc được sống, được dành, được vun vén cho chồng, cho con, cho mái ấm gia đình này. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, cứ thế mà dành trọn cả cuộc đời để mình gọi đó là hạnh phúc. Nhưng rồi cái hạnh phúc đó có cả những cái tát, những cú đá nữa… Từ khi làm một người đàn bà nhà quê thì chưa một lần biết đến cảm giác được tặng hoa là gì…Đó là điều xa xỉ với họ. Cách họ bôi son phấn cũng giản đơn lắm, không đỏ chẹo, không trắng mà chỉ một lớp mỏng, một sự gọi là có trang điểm…Và có khi những thứ đó là cả cuộc đời người đàn bà chưa được thử nữa…Và chẳng có gì cả, lại làm thân cò, lại là đàn bà quê.



Ánh nắng đã về ở góc trời và những người đàn quê quanh năm với gốc rạ lại chào đón bằng những công việc không tên, nhọc nhằn ở ngoài đồng. Và những người đàn bà quê vẫn có những khát khao mà ta cảm thấy không hề dễ dàng đối với họ. Vẫn có những giấc mơ gọi đó là giấc chiêm bao của một ngày mai.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Một mình cà phê...

Một khoảng không gian vắng lặng. Một mình nấp trong một góc nhỏ của cái quán cà phê. Cũng lắm chuyện làm chán ngán nên đi tìm cho mình một chốn riêng lẻ, một góc để nhìn lại mọi thứ. Bước chân đến cái góc nhỏ, ngồi vào nơi có cái vuông cửa nhìn ra ngoài đường. Ngước nhìn mọi thứ đang chuyển quanh em, gọi một ly cà phê phin không đường. Những lúc riêng lẻ thì lại thích cà phê không đường, thích cái đắng ngắt, thích nhìn ngắm mọi thứ đang ào ào qua ngoài kia. Lặng ngồi trong góc quán, thả hồn mình treo lơ lửng theo những bài hát nhè nhẹ. Cũng là loại nhạc mình thích mà, cứ thế ngồi như một kẻ điên rồ, có khi người ta tưởng mình thất tình cũng nên. Uh, cũng đúng lắm chứ, đang điên, đang dở người mà.


 


Chiều buồn hiu, buồn hắt. Nghe cái se se lạnh của khoảng khắc giao mùa đã về. Có lẽ lúc này mới đúng là thu, cái thu buồn se se người, cái thu gợi cho ta buồn và gây nên cái đìu hiu trong lòng. Và ta ngồi đang se thắt một nỗi niềm liệu có buồn lắm không, hay trong lòng đang vui. Và ta hiểu lúc này chẳng vui, chẳng buồn mà lại là đi tìm lại chính những gì mình đã mất nữa.


 


Chơi vơi.JPG


 


Ngồi nhấm nháp cái thứ đắng ngắt, ai cũng cần thêm đường hay chút sữa để cho nó dịu đi cái đắng. Còn em thì lại thích đắng đến tởn người, đắng đến thắt lại. Và thế em cứ nhấm nháp. Em nhìn lại chính mình, hai mươi rồi mà đã được bao lần ngồi quán cà phê. Bao nhiêu lần hò hẹn hay là chơi đùa với bạn bè, hay là giải bày nhỏ to tâm sự cùng với những người bạn cùng trang lứa. Chẳng có tí gì cả, ai cũng bảo em già lắm, mà phải em là một nhỏ quê mùa, cái nước da rám nắng. Và chẳng có tí gì là nữ tính của con gái nữa. Có lúc em đã phải nhảy rào cái phụm để làm chuyện gì đó như để đi cái đoạn đường bớt dài mà để bớt chút thời gian. Rồi cả chuyện đáng nhau với con trai nữa, có hôm đang ngồi học, bọn con trai ngồi ở sau cứ đùa em đã không thích và đã tuôn ra những lời đụng chạm đến em. Có lúc cười trừ để cho qua chuyện nhưng rồi vẫn cứ đùa, vẫn cứ nói đến gai cả người. Giận và là đứng lên, em đang mặc áo dài đấy nhé, hãy có chút nhẹ nhàng đi, nhưng không đâu cái thằng đó cao hơn em đến hơn cái đầu. Em đứng với nó như kẻ tí hon vậy, nhưng không kiềm chế được những lời đùa giỡn qua mặt, đứng lên ghế túm lấy cổ áo nó và có lẽ cũng sắp có chuyện thật. Bọn con trai xưa nay cứ bảo em hiền lành lắm nhưng hôm nay cũng há mồm mà ngó đến ngạc nhiên. Em chẳng hiền, chẳng nữ tính đâu. Mà cũng chẳng yểu điệu như bao đứa con gái khác. Em lắm cái điên, cái khùng và cả sự quê mùa của một đứa con gái nhà quê.


 


về.JPG


 


Ai cũng nói em khó tính, cũng phải mà. Cái gì em cũng rạch ròi, cũng theo sự tỷ tê không nhùng nhằng đủ cách. Rồi cả cái điệu cười nữa cũng độc dị không kém, cũng lắm sự khó hiểu. Một chiều buồn, cô đơn lặng lẽ ngồi để trêu đùa với bản thân mình thì phải. Em đơn độc thật mà, chẳng mấy khi có bạn bè gì, lúc nào cảm thấy thích là có thể làm một chuyến đi đâu đó xa cải mảnh đất bụi bặm này để thay đổi như nhảy ào ra Đà Nẵng đi Ngũ Hành Sơn, hay đi dạo biển một mình. Hay đáng hơn là nhảy đi Quảng Ngãi vào thăm bạn rồi đi chùa Thiên Ấn,...Lắm chuyện đấy chứ!


 


Em nhìn người đang mời em mua vé số. Em đang nghĩ gì trong đầu nữa, người nghèo cũng có cái khóc, rồi người giàu có cũng có cái khóc...Vậy thử hỏi ta đi tìm hạnh phúc cho mình là gì vậy? Ta sống rồi cũng có lắm cái buồn, cái vui và cả những giọt nước mắt. Sao buồn ta lại viết nên những lời hay, diễn tả rất mới rất lạ còn vui thì lại khó nói nhỉ...Có những giá trị của cuộc đời, của cuộc sống ta cứ đi tìm nhưng đâu có mấy ai hiểu được nó bên mình đấy. Nó nhỏ nhặt lắm, ta cứ để nó nằm im lìm quên bẳng chúng nhưng rồi nhận ra thì mới vỡ lẻ, có khi ta đến cuối con dốc cuộc đời mới nhận ra rồi thấy thế yên lòng mà nhắm mắt hài lòng rồi bưng ý quên đi để đi vào cõi hư vô. Có người thì lại bỏ qua, cứ chạy cứ lao đi tìm nhưng rồi mệt mỏi chẳng có đích đến và thế là đã lỡ một chuyến đi của cả một đời người đấy. Cái khóc của kẻ nghèo và người giàu lại khác nhau nhưng rồi cũng có cả những giọt nước mắt của hạnh phúc khi nhìn nhận lại đấy. Em đang mông lung nghĩ ngợi, đang cảm thấy mình chông chênh. Mọi ngõ ngách tâm hồn em nó khô cằn lắm, nó không có sự mát mẻ hay có mưa tưới mát đâu mà nó là sự khó chịu của mảnh đất đầy nắng cháy. Lắm thế là cùng, rối rắm quá phải không.


 


Và thế là em đốt cả một buổi chiều ở cái quán cà phê cùng với cái đắng ngắt em nhấm nháp. Cái đắng em phải thử đểm ngấm dần và cần phải làm quen. Và hình như em đang mơ màng, đang lãng du về một cõi nào đó, em đang chạy đi cái mớ lòng vòng. Xa xôi đến thế là cùng, và đấy là em….Vẫn lẫn chút cái điên điên khùng khùng lẫn trong ấy….


 


 


Chiều về.jpg

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Lảm nhảm....

Dạo này cái cảm giác sao chông chênh đến lạ. Cũng có chút lo lắng, chút buồn nhưng không sao hiểu nỗi. Bỏ qua mọi thứ để tập trung vào cái điều mình đặt ra mà cũng thấy không thay đổi được. Sau một ngày, đêm đến là khoảng thời gian chúng ta cảm thấy yên bình nhất, nhẹ nhàng nhất. Có phải chăng, khi mà mọi thanh âm của cuộc sống "cơm áo gạo tiền" tạm lắng xuống thì những tiếng nói từ trái tim khẽ khàng cất lên. Một mình trong khuya vắng, đối diện với chính lòng mình, có biết bao nỗi niềm cứ ào ạt đổ về, có cảm xúc tưởng chừng đã lãng quên bỗng sao tự dưng nối gót tìm lại... trong những giây phút thinh lặng quý giá.


Sông Tam Kỳ mùa nước lớn..JPG


Sông Tam Kỳ mùa này.


Cái thành phố Tam Kỳ bé nhỏ này đã trở lại cuộc sống ngày nào, cũng có chút hối hả, cũng dòng xe cộ vội vàng khi ánh bình minh gõ cửa. Nhưng vẫn vang bên tai mình là những tiếng búa đóng đinh, tiếng trộn xi măng sửa sang lại mọi thứ khi cơn gió dữ dội đã gào thét vừa qua. Những hàng cây xanh đã ngã đổ, xác xơ. Những chiếc lá xanh đã lẹo quẹo, héo úa không có được một màu xanh như bao lần. Ôi hàng hoa sữa men theo những con đường Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng,… vẫn hoa thoang thoảng đưa hương nhưng sao thấy khác lắm. Chúng không còn đứng thẳng lối, với những tán lá xanh tươi, mà giờ với hướng đứng nghiêng mình, những tán lá, những nhành cây đã gãy nhưng vẫn cố níu giữ hương hoa.


 

Image026.JPG


Những đám mây.


 


Đối với mọi người hoa sữa luôn có hương khó chịu, người ta thấy ghét nhưng với em thì lại khác, chút nhẹ nhàng nhưng đầy nồng nhiệt chứ. Em không yêu, không thích hoa nhưng em có chút gì mến thôi, chỉ một chút khi buồn, khi lo lắng là em lại thả hồn cho nó cứ bay cứ nhảy. Đúng hơn những lúc như thế em thấy mệt lắm, mệt đến rã rời, em lại cầu mong một thứ gì đó, liệu có xa xỉ quá không…? Nhưng lại khó.


 


Rồi sao nữa, em giật mình nhìn lại chính mình. Nhìn thấy cái nét hanh hao, rồi lại đâm ra có chút sợ, rồi vội vàng chôn giấu để không chốn lộ diện. Rồi đâm ra khó hiểu đến sợ…


 


Khi mang tâm sự thì hình như ta luôn nhìn tất cả mọi vật bằng cảm xúc đang ngự trị trong lòng mình. Một cơn gió cũng có dáng có hình, hạt mưa cũng lồng vào chút thầm thì vu vơ. Rồi những giây phút trào dâng cũng qua đi, chúng ta lại sẽ quay về với thực tại. Đêm tàn rồi ánh ban mai lại đến.


 


Tam Kỳ 5.JPG


 


Ban mai sẽ về....


 


Tam Kỳ 2.JPG


 


Chờ mong ánh nắng....


 

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Cho bao giấc mơ....

 


Quê tôi, miền Trung đầy nắng và gió. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng và gió của mảnh đất nghèo Quảng Nam. Đó là mảnh đất Tam Xuân 1 nằm ở phía Bắc huyện Núi Thành. Diện tích tự nhiên 17km2, dân số khoảng hơn 13 nghìn người, 85% dân số sống bằng nghề nông. Đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Bản chất của những con người quê tôi rất cần cù, họ miệt mài như một ong chăm chỉ, thức khuya dậy sớm để mong đợi ngày mai sẽ tốt hơn, sẽ mới hơn. Nhưng đâu có dễ dàng đâu, những giọt mồ hôi bấy lâu đã rơi xuống giờ là những giọt nước mắt ta thu lại sau bão.


Từ nhỏ đã lớn lên cùng với những cơn bão, cơn lũ dữ dội. Cái nhọc nhằn của cuộc sống ở mảnh đất nghèo này luôn chất chứa những ước mơ bình dị nhất của cuộc sống. Họ làm lụng quanh năm, làm năm làm mười để mơ ngày mai sẽ thoát khỏi cuộc sống với cái chữ "nghèo" đeo bám bấy lâu. Nhưng cái ước mơ ấy đâu có dễ dàng, lại gập ghềnh đau rát lắm. Cơn bão đi qua, cơn lũ ùa về đã cuốn đi bao điều ấp ủ, ước mơ bấy lâu. Nó kéo theo công sức mồ hôi để lại những giọt nước mắt mặn chát, để lại một cái xác không hồn cho cái công nhọc nhằn bấy lâu làm nên, xây dựng. Họ làm lụng để xây dựng cho mình một ngôi nhà vững chắc, để đàn em thơ có mái nhà yên ấm nhưng sao khó nhọc đến vậy. Cũng vì thiên nhiên ư! Họ đâu dám than vãn, vẫn phải mỉm cười và nhìn thẳng vào cuộc sống và chỉ dám nói rằng: "Trời không thương thì đành chịu chứ biết làm răng, mình còn sống thì phải làm lại từ đầu mọi thứ thôi".


Image021.JPG


Những ngôi nhà như thế này là bao năm nhọc nhằn và cả ước mơ đã thành đấy. Đó là niềm hạnh phúc lớn khi xây dựng được ngôi nhà nhỏ bé, không vững vàng và chống chọi với bão






Trước những ngày bão đến là những ngày nắng, cái nắng kèm theo cái nóng khó chịu. Những con người bao năm gồng gánh trên vai đang lui hiu ở ngoài đồng vớt lên những mớ lúa đã ngập trong nước lụt của trận mưa kéo dài. Ngày mùa vừa tắt trong cái buồn vì thu hoạch thất bát hơn mọi năm, cái lo lắng cho cái ăn đủ đến mùa sau đang ẩn hiện. Bao cái lo tất bật cho cuộc sống.


Image016.JPG


Những ngôi nhà ở mảnh đất lắm nắng nhiều mưa vẫn còn hiện hữu khắp nơi.


 


Bão ào đến mang đi những gì mà mồ hôi cả nước mắt bấy lâu nay dành dụm chắt chiu. Tất cả đang bị gió kéo đi, có người để lại một mớ hoang tàn đổ nát. Những rừng cây keo lá tràm là bao công sức dành tạo mong chờ ngày mai thoát khỏi cái nghèo. Cái giấc mơ bao đời của người nông dân là thế. Chắt chiu mồ hôi, thức khuya dậy sớm để mong mai kia mình sẽ không phải tất bật với bao cái nắng, cái mưa dầm dề của mảnh đất lắm nắng nhiều mưa này. Nhưng thay ôi, giấc mơ còn đang giữ thì cơn bão, cơn lũ qua đi đã để lại một sự ngã đổ tàn nhẫn. Qua bão không chỉ lo dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại mọi thứ thì lại tất bật đi khai thác cái giấc mơ mình đã chắt chiu. Đâu có yên bề dễ dàng, thu dọn cây xong thì người mua lại chèn ép giá, có khi không thèm mua. Không chỉ công khai thác thu dọn mà cả công kêu xe chở đến nơi thu mua nữa. Coi như đôi tay làm lụng gấp năm gấp mười bao năm giờ lại thu trên tay là những đồng tiền mặn đắng, chát chúa.


Image004.JPG


Nuôi ước mơ đổi đời từ cây cũng khó nhọc.


Đâu chỉ có vậy, có người còn nuôi giấc mộng làm giàu từ những con tôm, con cá nhưng qua hai trận lũ, một trận bão thì lại trắng tay mà còn mang trên mình cả một gánh nợ. Bao bước chân khập khiễng đi trên những bờ ruộng tôm mà cứ chép miệng xót xa, cứ nhìn công sức miệt mài ngày đêm đã bị nước cuốn trôi. Họ xót xa cho bao công sức, tiền của đổ dồn vào giờ thu lại chẳng có gì ngoài một sự "mất hết". Mất đi tiền của, mất đi mồ hôi đôi lúc có lẫn cả những giọt nước mắt và những ngày đêm không ngủ.


Image005.JPG


Bao nhiêu căn nhà lụp xụp vẫn cứ còn ở mảnh đất nghèo khó này. Con người cứ làm mịêt mài, cứ cố gắng để thoát cái nghèo nhưng đâu có dễ dàng đâu.


Image003.JPG


Nuôi cái ước mơ ngày mai sáng hơn cũng đâu có dễ dàng, tất cả đã bị cuốn đi theo những trận gió vô tình. Rồi ngày mai sẽ ra sao cho những giấc mơ đời…Những giấc mơ bé nhỏ của những con người nhỏ bé, những con người cần cù, siêng năng. Mưa chẳng ngại, gió chẳng quản để làm việc quần quật nhưng đâu có dễ dàng. Vậy mà giờ đây nhiều người đã mất tất cả sau một đêm. Mất đi bao công nhọc nhằn bấy lâu. Đâu rồi ước mơ bấy lâu nay chắt chiu...




 


Image022.JPG


Sau bão nhiều thứ đổ vỡ như chính những ngôi nhà bao công gầy dựng của bao nhiêu con người bé nhỏ.


 


Image002.JPG

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Vụn vặt sau bão...

 


Mới vừa chống chọi với những cơn mưa triền miên gây ngập úng thì lại ra sức chống với cơn bão mạnh. Những cơn gió vô tình qua đi để lại những gì đằng sau đó. Một mớ hoang toàn, đổ nát, chẳng còn gì cả. Ánh mắt thất thần nhìn những căn nhà bao công cần kiệm đổ nát. Nhìn những gì cơn gió cuốn đi, mưa dầm ướt át để lại. Một sự đổ nát chẳng nói lên lời.


Chắc có lẽ chút gì còn sót lại của những con người ở đây đã đi cùng với gió, với mưa, với nước lũ. Những ngày bão đã tạm đi thì lại phải chống với, cái thiếu ăn, thiếu uống nữa.Cùng với đó là lưới điện vẫn chưa được khắc phục do hư hại khá nặng nề. Đêm chìm trong bóng đêm, với những cơn mưa rả rích, với chút gió rì rào càng làm cho khung cảnh của làng quê càng đượm buồn. Tiếng ếch nhái, tiếng thạch sùng kêu lên bản hoà ca đồng quê yếu ớt, cũng như hiểu được những gì mà những con người nơi đây đã trải qua.


ĐH Q Nam.JPG


 


Sân trường vắng lặng sau cơn bão


 


Sáng lên lớp học, không khí cũng khá tẻ nhạt, ai cũng giấu trong mình một sự lo lắng không yên nơi quê nhà. Nhưng làm sao được, đường sá bị cô lập nhiều nơi dù có muốn về nhà để hỏi thăm tình hình nhưng cũng không được. Tôi đến lớp học trể hơn thường ngày vì ở nhà phụ với ba má dọn dẹp lại mớ hoang tàn để lại rồi mới đạp xe đi học. Vừa lên đến lớp đã bao câu hỏi dồn dập “nhà có bị chi không mi?”. Đến chỗ ngồi thì thấy V nhận được điện thoại từ quê nhà. Đứa em trai bị nước lụt cuốn trôi mất sáng hôm nay. Nó như muốn khuỵ xuống, vội quơ hết vở vào cặp rồi đi về. Nhưng không biết nó đón xe đi ra đến nhà không, vì quê nó vẫn bị cô lập hoàn toàn, nước lụt rút chậm.


 


Nhìn quang cảnh đâu đâu cũng còn lại một mớ đổ nát, có cả những giọt nước mắt xót xa nữa. Tôi còn ngồi viết được vài dòng này cũng là một hạnh phúc quá lớn rồi. Tôi cũng không biết bị gió cuốn đi lên bờ xuống bụi bao lần nữa. Để đi kéo lại những tấm tôn nhà bị kéo đi, rồi cả việc dùng cùng với ba chần nhà. Trong những bữa ăn với một sự sợ hãi, thấp thỏm nhìn mái nhà cứ nhịp nhàng lên xuống theo nhịp gió. Rồi cả những bữa cơm nửa sống nửa chín.


 


Mùa Trung thu của em nhỏ năm nay không có. Không ánh trăng, không lân, không đèn ông sao, không quà bánh.


Nhìn những đứa trẻ con nhà hàng xóm, chúng ngây thơ cười hồn nhiên khi dùng cái gàu múc nước đánh bùm bùm mà tự nhiên một chút gì đó chạnh lòng hiện lên. Một mùa Trung thu buồn cho những em thơ ở vùng bão lũ.


Miền quê giờ đây ai nấy cũng đều lo dọn dẹp lại mớ hoang tàn, rồi cả việc lo đi mua vật liệu để sửa lại nhà cửa. Và còn lo cả cái ăn trong nay mai nữa. Lúa gạo đã chìm trong mớ nước rồi. Người lớn cũng hiểu nỗi lòng con trẻ, cũng hiểu nỗi khát khao trong các em thơ nhưng giờ thực sự quá khó khăn, cái chật vật của cuộc sống không cho phép. Và năm nay em ch dám mơ đến vầng trăng trong tưởng tượng mà thôi.


 


Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket


 


 Và những con người này còn mất gì tiếp theo trong mùa mưa bão năm nay…?! Ngày mới ở Tam Kỳ vẫn còn những đám mây đen và sự hoang tàn cùng nhau dọn dẹp của một ngày mới lại bắt đầu....


 


Tam Kỳ 4.JPG