Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Ru lòng...

Tôi cũng không biết chắc mình thích nhạc Trịnh từ khi nào nữa. Có lẽ, vào khoảng thời gian anh Ba ở trọ nhà tôi để học, vào những buổi chiều hay chăng lúc nào cảm thấy buồn, nhớ nhà là anh Ba lại lấy đàn ghita ra vừa đàn vừa hát những bài ca của Trịnh. Không phải giọng hát chuyên nghiệp, sâu sắc như ca sĩ nhưng lời bài hát của anh Ba lúc đầu làm cho một con nhỏ như tôi chưa hiểu gì nhiều nhưng rồi nghe mãi đâm ra thích. Bài đầu tiên làm cho tôi nhớ cả lời là “Một cõi đi về” – Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Trong mỗi con người sống trên đời này tựa hồ như những chuyến xe, giữa cánh đồng cuộc đời chuyến xe vẫn phải chạy để tìm điểm dừng. Nhịp di chuyển của từng vòng bánh xe cứ hối hả, ngoảnh mặt nhìn lại chặng đường ta đã qua không ngờ mới ngày hôm qua sao giờ lại khác quá đỗi. Đời người dài nhưng cũng lắm chóng vánh, sự mau chóng của tàn phai ngày một gần, vạn vật cứ vô tình chứng kiến những nét đổi thay của một kiếp người.



Phải chăng nhạc Trịnh hay, hợp hơn cùng với tiếng ghita?. Tôi thích nghe những bản nhạc không lời của Trịnh qua những phiếm đàn ghita. Ta thả hồn nghe trong sự phiêu diêu, chút gì đó của sự khổ ải, trầm mặc của một kiếp con người cần phải vượt qua cứ trong từng ca từ của Trịnh.


“Tôi như chim ưu phiền


Mang đầy nắng quạnh hiu


Trên đôi vai u sầu


                                              Tìm về nơi cuối đời”       - (Như chim ưu phiền)


Rồi mỗi bước chân ta đi-để cần vượt qua sẽ tìm đến một sự bình yên, một sư hóa giải. Hay chăng bỗng thấy mình “về thăm nấm mồ”, sự cô đơn trong chính thân phận của một con người vẫn cứ chất chứa quá nhiều tâm sự rồi chợt giữa phố xá đông vui thấy mình lạc lõng, bơ vơ- “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”


 


Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài
Một hôm thấy được đời tôi
Tôi yêu mọi người cỏ cây
Muôn loài làm sao yêu hết cuộc đời.


Cả cái cách ta yêu cuôc đời, cuộc sống trôi qua từng ngày , con người vẫn nhỏ bé quá đỗi với thời gian. Yêu cuộc sống, cỏ cây quanh mình nhưng vòng tay không đủ rộng để ôm mọi thứ, rồi cảm thấy mình bị thiếu hụt, cô đơn ngay giữ lúc vui nhất. Lại thấy ta là hạt bụi “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi..” Day dứt cứ lẩn quanh


Một hôm bước chân về giữa chợ
chợt thấy vui như trẻ thơ
.
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
                                 tỉnh ra có khi còn nghe
   (Đêm thấy ta là thác đổ)


Hay chăng, cùng nhau nói về đời để nhẹ nhàng hơn. Cái thường kia ta cứ mơ nhưng khi thấy xa.


Đời ta có khi là lá cỏ
ngồi hát ca rất tự do


Có thể đôi lúc cuộc sống với hai gam màu đen, trắng lẫn hòa vào nhau, ta với những chóng phai, tủi hờn gần như đánh mất muốn tìm một sự bình yên trong giấc ngủ. Ta muốn say trong giấc ngủ không mộng mị, ồn ào, ganh đua và dừng đôi chân khi cảm thấy mỏi mêt. Sống là bước tiếp và hy vọng, đôi lúc nên học cách trút bỏ, phó mặc những gánh nặng trong lòng để có sự nghĩ ngơi ít ỏi của tâm hồn cứ phải nặng mang. Đôi lúc cũng nên khóc để cảm thấy mình yếu đuối và phải vững bước hơn nữa, cũng nên cười để ta hiểu rằng cuộc sống luôn dành cho ta nếu biết khám phá. Khi thất vọng, buồn chán thì nghĩ về quá khứ để ta còn trân trọng từng khoảnh khắc.


Lo âu có thể đựơc xếp lại, tự thả lỏng mình và nghĩ đến ngày mai sẽ tươi sáng. Mọi con đường đều âm thầm những bước chân nhưng ta phải vững tâm hơn vì cuối con đường bao giờ cũng có hạnh phúc và nụ cười vẫy gọi. Thất bại hôm nay để ngày mai thành công, vấp ngã có đau đổi lại bài học cho bản thân.


Bình yên khi ta tìm về giấc mơ…!


khoảng lặng


 

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Gọi tên điều không hiểu...?

Ghen. Nó chẳng biết vì sao người đàn bà đôi lúc cũng cần trở nên ghen, vì sao ghen lại trở thành gia vị của tình yêu? Chưa hiểu cũng đúng thôi, nó còn chưa đủ độ chín hiểu mọi sự trên đời này. Sống ở trên đời đã hơn 20 năm rồi đấy nhưng nhiều thứ để hiểu còn quá xa vời. Bây chừ mọi thứ trong nó lại uất nghẹn trong lòng, sự chôn giấu cứ lẫn khuất và vẫn không thể nào mở lòng ra. Im lặng một tội đồ ăn sâu không thuốc chữa...


 


Giờ lại đi tìm “gia đình” theo nghĩa thông thường nhất. Nhớ lúc nhỏ nó cứ ao ước ba suốt ngày đi làm không có ở nhà để mẹ con nó được bình yên nhất, Nó ngu ngốc đến vậy đấy. Rồi nó thầm nghĩ nhiều hơn, giá như không có ba thì cuộc sống, cuộc đời hiện hữu cho nó có ý nghĩa như thế nào? Có cơ hội để đi ra khỏi nhà là nó lại lang bạc mạng, cái khái niệm “nhớ nhà” hầu như không tồn tại trong nó chút nào. Mọi thứ đều vứt đi tất cả và mặc kệ, cứ nấn ná ở đâu đó lâu lâu chút để đỡ về nhà sớm, có lúc lại thấy chút cô đơn, lạc lõng cho chính lòng. Đi học, nó lại lao đầu từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Bởi vậy, nó thèm đi lắm, đi để quên mọi thứ đối với nó, đi để thấy rằng mình cần gì ở cuộc sống này. Tìm cái cười lẫn khuất đâu đó nhưng không thấy, xa vời hay không chịu mở lòng.


 


Tại sao luôn yêu cầu ở người đàn bà, người vợ một chút hy sinh, chịu đựng và tha thứ? Còn yêu cầu quá cao là đằng khác, điều gì cũng có thể lên tiếng cho rằng điều đó là ích kỉ, là hẹp hòi. Nhưng sao không nghĩ đến cho chính học cơ chứ? Vẫn là sự ích kỷ và “cái tôi” quá lớn của người đàn ông mà thôi, luôn biết yêu cầu đòi hỏi. Sự chịu đựng âm thầm trong hơn 20 năm, không có sự ghen hờn gì nhưng giờ là cái “ghen” đúng nghĩa của đàn bà. Phải chăng sợ nó sẽ không còn cha nữa, rồi cái gia đình này sẽ trôi tụt và nhường chỗ cho sự hạnh phúc của một gia đình khác đang xâm chiếm. Những câu nói trách móc như nhắc khéo hai chị em nó, dòng nước mắt của nó cứ nghẹn ngào, muốn khóc thật sự nhưng nén lại không thể yếu đuối như vậy. Từ trước đến nay nó ghét yếu đuối nên không thể khóc, tiếng nấc cứ nghẹn trong cổ họng.


 


Nó hiểu rằng bên cạnh tình yêu luôn có sự ích kỷ. hạnh phúc đôi lúc cần giành lấy mà?! Nó muốn cầm đến cái điện thoại mà hét vào người bà kia, sao lúc trước không đủ bản lĩnh để giành lấy hạnh phúc cho riêng mình mà bỏ đi, cả đứa con trai bé nhỏ của bà nữa. Sao không về để cùng nhau nói rõ mà phải cứ trách móc, hờn trách qua những cuộc điện thoại. Quá đáng chăng? Sao không nghĩa đến cuộc sống hiện tại đã bị khuấy động. Bây giờ cha phải đi tìm con hay sao? Rồi chuyện gì sẽ ra tiếp đó. Phải chăng tôi không thể tha thứ mọi điều, tôi biết bản thân mình chấp nhận nhưng sự dễ dàng luôn mâu thuẫn với nhau. Vẫn hằng ngày nhìn cái bộ dạng háo hức của ba chờ đến ngày để đi tìm “con trai”, mong ngóng để nhìn đứa con bấy lâu không bên cạnh mình chăng, xem độ trưởng thành của nó ra sao? Uh, rồi người mà ba sẽ đi tìm nó phải gọi bằng “anh trai” đấy! Sợ, không tin lắm. Hay chăng đó là mơ.


Cái ghen hờn của má cũng đúng thôi. Bao nhiêu năm nay cứ chôn giấu, giờ là lúc bộc phát. Cũng đúng thôi, chẳng ai đủ bản lĩnh mà tha thứ, im lặng được lâu. Ghen để giành lại cho chính mình nữa chứ, đã cố giữ gìn đến chừng này rồi không để trôi tụt được.


Không định nghĩa được nhiều thứ! Cảm giác hụt hẫng, vừa mất gì đó của ngày hôm qua. Hay chăng “gia đình” đã không có trong nó...?


Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Buổi học cuối cùng

Buổi học cuối cùng. Chút gì đó ngỡ ngàng, giật mình. Nhìn lại thấy mới ngày nào chập chững những bước chân vụng về trên giảng đường nay lại sắp chia tay. Buổi học với lớp trong tiếng cười, nói, đùa vui nay sẽ khép lại, chỉ còn một buổi với nhau rồi ngày mai thôi mỗi thành viên trong lớp lại tất bật với bài vở, rồi đi thực tập, thi tốt nghiệp. Có gặp nhau thì cũng chỉ là thoáng qua với những câu hỏi thăm, không còn sự quấn lấy nhau với những câu chuyện không đầu không đuôi.


Tiếng cười nói sẽ khép lại. Mỗi thành viên trong lớp, 47 sắc màu kia sẽ theo những con đường khác nhau để thực hiện ước mơ, ý định của mình. Nhanh quá đỗi, mới ngày nào còn cái nhìn bở ngỡ, lạ con người, lạ môi trường giờ là lúc mỗi người mỗi phương. Rồi chuyến tàu cuộc đời của mỗi người sẽ chạy theo những chuyến khác nhau, bao cái vấp ngã sẽ xảy ra, rồi tất cả lại tất bật với bao guồng quay cuộc sống. Lúc nhìn nhau lần cuối đôi mắt như muốn vỡ oà, vậy là sẽ xa ư. Không tin lắm?! Nhưng nó là sự thật.


 


 

Bàn tôi!.JPG


 


 


 


ktx.JPG


Buổi học cuối cùng. Cuối cùng không phải của thời học sinh với sự chia tay của mùa hè trong tiếng ve gọi, phượng bùng cháy mà là buổi học chia tay sách vở, ghế nhà trường, thầy cô, những ngày thi căng thẳng. Buổi học cuối của quãng đời sinh viên, của những năm tháng đẹp nhất của con người. Bài vở sẽ khép lại, những đêm thức khuya với đôi mắt mỏi mệt trong nay mai sẽ không còn. Buổi sáng đến trường với cái dạ dày đang sôi, với tiếng cười chào nhau, trêu chọc nhau sẽ đánh dấu bây giờ đi mãi. Vậy đấy, thời gian cứ như một dòng chảy bình lặng trôi, không có điểm dừng. Cứ trôi mãi và chẳng bao giờ trở lại. Buổi học cuối hôm nay sẽ là món quà của thời gian làm cho mỗi thành viên trong lớp nhìn lại, đánh thức bao nhiêu lãng quên về thời gian giờ nhìn lại trong một sự nuối tiếc và cảm thấy như mất đi một thứ gì đó chỉ mới ngày hôm qua còn nắm giữ.


Chút hụt hẫng, bùi ngùi cứ vẫn mãi trong lòng. Tiếng hát trong veo trong tiếng đàn ghita sẽ dừng lại từ đây. Đâu rồi cái lúc nói với nhau “Mong chóng về già kể chuyện nhau nghe - Về cái thời chúng mình đã sống - Thời sinh viên buồn, vui mơ mộng ...” Cả khoảnh khắc trời mưa ngồi nhìn từ cửa sổ rồi bỗng dưng nhớ nhà, từa vai nhau mà khóc mà kể về gia đình. Bữa cơm sinh viên nghèo nàn, chắt bóp đủ cách để đủ chi tiêu trong một tháng. Nhớ lúc trước còn nhỏ xíu, xem ti vi nói về cuộc sống sinh viên thì thấy thích lắm. Rồi cái ao ước ngày mai mình cũng sẽ là sinh viên cũng đã thành hiện thực, bao nhiêu buồn, vui cứ xen lẫn nhưng sao vẫn thấy không như mình nghĩ. Rồi bỗng chốc nói chuyện với nhau về cái ước mở lúc nhỏ cùng nhau thì lại cùng cười cho sự ngây ngô, hiện thực cuộc sống từng ngày đổi khác cùng nhau nói với nhau thế thôi. Rồi lại ngồi lặng lẽ không nói gì, đứa nào cũng theo những ý nghĩ riêng khi nhắc về điều này thì phải.


Thời sinh viên khép lại, chút gì đó thổn thức, xa xôi cứ xen lẫn. Xa thật sao. Bù cho những ngày tất bật với bài vở, những bước chân như muốn chạy để không bỏ sót chút thời gian nào. Và khép lại...


Chỉ còn vài ngày nữa thôi là thi kết thúc học phần kỳ cuối. Xong thi mỗi đứa mỗi nơi để đi thực tập làm luận văn tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp còn ở xa nhưng vẫn buồn lo. Xa mà gần quá đỗi... Ta chia tay thời “vàng son”, khoảnh khắc đẹp trong mỗi cuộc đời con người. Cho chút gì đó ngày mai, và tất cả sẽ là quá khứ nhé!


Cứ muốn viết nhiều nhưng sao vẫn cứ lúng túng với ngôn từ ngay lúc này thế không biết...?


 


 

DSC01706.JPG


 

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Thông báo off

Theo sự thống nhất của một số Blog Quảng Nam và Quảng Ngãi muốn tổ chức một buổi off Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi. Mong muốn mọi người cùng giao lưu, gặp mặt, từ thế giới ảo bước ra cuộc sống thực đôi lúc chỉ là một khoảng cách nhỏ.


Được sự uỷ nhiệm của Blog Quảng Nam hôm nay Giọt Đắng đăng thông báo Off, mong muốn mọi người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng nếu có điều kiện thì cùng tham gia gặp mặt, giao lưu cho vui, gắn kết tình cảm với nhau.


Thời gian: Lúc 7h30, Chủ nhật ngày 11/4/2010.


Địa điểm: Sẽ tổ chức giao lưu ở Biển Rạng – Núi Thành - Quảng Nam .


             


Vậy mong mọi người cùng tham gia và đăng ký ngay bây giờ. Có thể tại Blog của Giọt Đắng nếu mọi người ở Quảng Nam và Đà Nẵng.


Ở Quảng Ngãi có thể đăng ký ở Blog Số phận khổ đau.


Mọi thắc mắc xin liên hệ:


 


Giọt đắng: 01282 682 105.


Số phận khổ đau: 0552201444


http://vn.360plus.yahoo.com/maimevoicuocdoi-sophankhodau


 


Tạm thời đăng thông báo để mọi người biết đăng ký tham gia. Còn sẽ tổ chức cụ thể như thế nào sẽ thông báo chi tiết cho mọi người sau.


P/S: Các blogger ở các tỉnh khác nếu có điều kiện tham gia BTC nhiệt liệt chào đón, vậy các bạn có thể đăng ký theo các địa chỉ trên.



Hình ảnh ở Biển Rạng, nơi diễn ra giao lưu, off.

Danh sách đã đăng kí:


1 - sophankhodau-Q.Ngãi        11 - dinhchuong-Q.Ngãi


2 - minh thư-vẫn thế-Q.Ngãi    12 - chaumy-Q.Ngãi


3 - vinhdanquangngai-Q.Ngãi  13 - Phước Trung-Q.Ngãi


4 - Người Nghĩa Mỹ-Q.Ngãi    14 - honnhien-Q.Ngãi


5 - Bạc bẽo-Q.Ngãi                  15 - ra1nbow-Q.Ngãi


6 - công tử vui-Q.Ngãi             16 - vinhbietchantinh-Q.Ngãi


7 - aship noland-Q.Ngãi           17 - Quoctrungqn-Q.Ngãi


8 - hoa thạch thảo-Q.Ngãi        18 - phuongthovan-Q.Ngãi


9 - phamminh-tv-Q.Ngãi          19 - Đồng Tử Q.Ngãi


10 - thươngquangngai-Q.Ngãi  20 - Giọt Đắng-Q.Nam


21 - Rom-Q.Nam                      22 - Ái Linh-Q.Nam


23 - Một Mình-Đ.Nẵng             24 - Bạn của Một Mình...


25 - Ngọc Quân-Đ.Nẵng           26 - Cafe_muối-Q.Nam


27 - N.T.TU-Q.Nam                  28 - Đông phương-Q.Nam


29 - Bí Ngô-Đ.Nẵng                  30 - Laoong-sitinh@ymail.com-...


31 - Cỏ Ngày Thứ Tư-Q.Ngãi   32 - Tu Thien Hau-Q.Ngãi


33 - Rum-Đ.Nẵng                      33 - Rừng Vàng-Q.Ngãi


34 - Thu My-Q.Nam                  35 - Pleinforme-Q.Nam


36 - Cương Péo (QNam)


Biển Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam 2.jpg


Ghềnh đá.


Biển Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam 1.jpg


Chênh vênh.


Biển Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam 4.jpg


Xa xa....



 


 



 


 


 

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Hoa sứ trắng.

Ngồi một góc ở thư viện trường, qua khung cửa sổ thấy những bông hoa sứ của quán cà phê Cóc tự nhiên thấy đẹp lạ thường. Vốn không mấy yêu hoa sứ nhưng thích cái màu trắng dịu dàng, hương thơm nhẹ thì có lẽ đúng.  Màu trắng của những cánh hoa điểm một chút vàng rực từ trong phần nhuỵ lan toả ở cuối mỗi cánh làm tô điểm thêm nét đẹp của hoa sứ. Cũng chẳng bao giờ có kỷ niệm nào với hoa nhưng vẫn yêu cái nét đẹp dịu dàng của hoa khoe sắc.


 


Bình dị....jpg


 


 


Những bông hoa sứ rụng xuống nhưng cánh hoa vẫn bám lấy nhau không rời. Hoa có khô héo khi rụng xuống phơi mình trong nắng thì cánh hoa càng co chụm lại với nhau vẫn không rời. Nếu ví hoa này dành cho tình yêu thì có lẽ đẹp thật, một ý tượng trưng cho sự bền vững, vẫn mãi bên nhau dù có những biến cố như thế nào giữa dòng chảy cuộc đời.


 


Hằng ngày vẫn đi học ngang qua nhà Thờ, nơi ra vào của cổng có hai cây hoa sứ lớn. Buổi sáng, khi đường phố với những dòng xe cộ tập nập nhưng vẫn không quên nhìn những cánh hoa rơi rụng cả một góc rộng của nhà thờ. Chiều về, nhìn một bóng dáng người đàn ông gầy vẫn lặng lẽ quét những bông sứ, đôi lúc nhìn sợ những bước chân của ai đó vô tình giẫm lên sẽ làm đau những cánh hoa kia.


 


Cái màu trắng như một sự đồng điệu trong mỗi con người, bao cảm xúc cứ xen lẫn. Tự nhiên thèm nhặt hoa sứ, được phơi những bông hoa kia dưới nắng rồi đem giữ lại cho riêng mình. Hằng ngày vẫn nhìn hoa rơi rụng, nhìn tiếng chổi quét hoa như chính phận hoa khi rơi đã là rác tự nhiên thấy xót cho hoa. Một đời vui cũng tàn giữa thinh không...


 


Bỗng dưng thèm nghe tiếng chuông chùa, kinh phật trong một chiều muộn ngoài sân chùa là những hoa sứ rơi nhẹ... Có lẽ mình thích hoa sứ, cũng như cái màu của hoa rồi thì phải? Bình minh luôn trong từng cánh hoa, cảm nhận yêu thương mà đứng lên bước tiếp.


 


Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Gọi tên đường chân trời.

3300158945_d3478ac550_o.jpg


Mấy hôm nay mệt lắm. Mệt nhoà. Muốn hét, muốn gào thật. Bao nhiêu điều cứ muốn được thoát ra từ đứa con gái này có thể sẽ làm cho tất cả ngỡ ngàng. Nhưng vẫn cố giấu, che đậy tất. Hay chăng bản thân mình lại o ép quá, luôn đặt mình trong những mực thướt chuẩn mực, nên làm điều này không được điều kia, chẳng có ai tự ép mình làm điều đó cả nhưng sao vẫn khắt khe với chính bản thân mình đến vậy. Một đứa con gái với những khát khao đầy nhiệt huyết luôn cứ ấm ủ cháy trong lòng nhưng sao không bộc lộ, sao không để sự cháy khát đó biến thành những điều hành động mạng bạo hơn đi. Sao cứ giấu mãi thế hỡi tôi...


Mỗi ngày dần trôi qua tôi thấy mình vừa để đánh tụt nhiều thứ mà đáng ra bây giờ cần thực hiện dần đi, sao cứ hẹn mãi. Phải chăng không có sự tự tin, hay chăng mình quá đơn lẻ, cô độc trong tất cả rồi dẫn đến sự nhút nhát. Mày khao khát làm nhiều lắm mà, sao lại giấu? Mày xấu lắm đấy, đúng hơn còn tệ hại nữa. Đứng giữa ngã ba, ngã tư đèn đỏ ngồi ngây người ra nghĩ. Ai cũng lối đi cho riêng trong những đôi ngã kia, còn bản thân tôi sẽ đi theo lối nào, đường đi sẽ chông chênh, gai góc hay bằng phẳng êm ả? Lối nào cũng thấy một dấu chầm hỏi to đùng để trước, vẫn câu “sẽ ra sao ngày mai”. Tôi lại nghĩ ngợi nhiều quá chăng? Không, ai cũng xác định cho mình lối đi rồi, còn bản thân tôi vẫn đứng đó nhìn mà tự hỏi “dấu chấm hỏi” kia sẽ đến bao giờ xoá. Cứ vẫn luôn tự trấn an mình “cứ bước về phía trước sẽ có ánh sáng và tìm được con đường”, cũng vấp ngã, đau lắm rồi đứng lên đi tiếp nhưng vẫn thấy mù mờ quá...!


Cuộc sống đâu có dành riêng cho ai nụ cười nào, vẫn phải có nước mắt rơi để thấy từng ngày ta sống ý nghĩa. Đã hơn 20 năm sống, ta đã lãng phí quá nhiều thời gian rồi, mỗi ngày trôi qua đến khi bước chân lên giường năm ngủ thì ngẫm lại hôm nay mình đã lãng phí quá nhiều, ngày mai sẽ bước tiếp và cũng để phí ít nhất một khoảng thời gian nhất định. Trong chừng mực thời gian đó nó có thể khiến con người sai lầm vào những lối rẻ đau khổ nhưng cũng có thể làm cho người vinh quang, đạt được ước mơ của bản thân đã đặt ra. Ngã rẽ nào cũng nhiều lối, nhiều điều mới cả.


Lại nhạt thếch trong miệng khi mà vẫn phải nhắc đến “tiền” trong từng ngày. Đang nhẩm tính bao nhiêu ngày nữa thi kết thúc học phần là còn chừng ấy ngày đóng tiền học phí. Lại bị gọi tên nhắc nhở khi trong phòng thi. Uh, đau đầu, chán ngắt khi nhắc đến tiền. Nhưng trong cuộc sống thì không có nó không đuợc, lại tiền tài liệu, tiền nộp phí các khoản, tiền điện, tiền.... muôn dạng đấy, cần lắm. Yêu nhất vẫn là “tiền” rồi ghét nhất vẫn là “tiền”. Sao mâu thuẫn vậy tôi? Bạn bè, chẳng ai đủ sức hiểu hết nhau. Cũng tiền làm hại nhau, cũng tiền làm cho bản thân mỗi người ích kỷ, đôi lúc muốn hét lên “đồ tồi” sao quan trọng nhiều việc quá vậy? Cũng tiền mà gia đình lại lục đục, cãi vả nhau. Lại tiền đi đầu nên bao dự định cứ chất chồng năm đó, muốn làm nhiều lắm nhưng sao vẫn ơ hờ, vẫn thấy thiếu tự tin. Bình yên ở đâu mau quay về đi, muốn đi thật xa muốn những bước chân đến mảnh đất khác mà cảm nhận nhiều hơn ở cuộc sống.


Vẫn thế tôi ơi. Sao vẫn cái bộ dạng ít nói, kiệm lời. Bao nhiêu điều muốn làm, khát khao cứ như muốn đốt cháy nhưng vẫn dậm lại mà đợi. Muốn gào thét thật to để láy lại những gì mình giấu đi, muốn nói nhiều nhưng sao cứ im lăng. Phải chăng bao nhiêu điều cứ chất chứa trong lòng không giải bày cũng ai đã làm cho mày ra vậy hả Tôi. Vẫn không cười không nói, cứ im im như một đứa con gái ngoan nhưng sao lại lắm bão giông trong lòng cứ một ngày dâng lên thế này. Bỗng dưng thèm một giấc ngủ say quên đời...


Muốn bước chân trên những bậc thang của đường chân trời ngay lúc này. Gọi tên hỡi “bình yên”...

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Hoa Giấy

Sáng nay đi học về sớm rẻ qua lối vào khu nhà trọ của mấy đứa bạn học cùng lớp thì thấy cả dãy nhà ở đấy ai cũng có một giàn hoa giấy. Trước phòng trọ của bạn cũng có một giàn hoa với hai màu đỏ trắng hòa cùng vào nhau dưới một giàn. Loại hoa “hữu sắc vô hương”, tôi cứ mãi nhìn nó lại gợi cho tôi những mảng ký ức về ngày bé dưới giàn hoa giấy. Tôi thích cái tên gọi là “hoa học trò” vì nó tựa hồ như một sự trong trắng, ngây thơ trong cái nắng, lúc nào cũng rộn rã, tươi vui.



Ngày xưa, gia đình tôi sống nhờ trong nhà một người bà, lúc đấy tôi mới khoảng 2 tuổi. Trước nhà luôn có một giàn hoa giấy màu đỏ, nơi đó râm mát cho những trò trẻ con chơi đồ hàng, bắn bi của mấy nhóc hàng xóm. Nơi đó chất chứa tiếng cười, la hét, gọi nhau í ới của những buổi trưa nắng gắt. Lá của hoa bọn tôi lấy làm tiền để đổi, mua những gì trong ngày chơi đó. Với thân cây dài, cong dễ uốn, trên thân luôn ẩn những chiếc gai bé nhỏ nhưng mạnh bạo. Những chiếc lá xanh trên giàn hoa lũ nhóc chúng tôi hằng ngày cứ bứt dần dần để làm đồ chơi, những cánh hoa đỏ thì lại bẻ ngang để làm hoa kết vòng cô dâu. Tiếng cười ngắt nghẻo khi cô dâu chú rể được trang trí trên đầu là những vòng hoa giấy, cả sự háo hức trong những buổi trưa được cùng nhau chơi cùng nữa. Trò chơi của những đứa trẻ nghèo, lấm lèm bụi đất.


Tôi cũng không biết từ khi nào lại thích loại hoa này nữa. Có lẽ nó gắn với tuổi thơ tôi trước tiên, ở cái tuổi mà ít ai còn nhớ lại hồi xưa mình như thế nào thì trong tâm trí tôi, kí ức kia lại được ghi đậm, vẫn còn nguyên vẹn. Hay tôi luôn sống trong những hoài niệm, rồi có những lúc đâm ra ghét cái ngày xưa trong cuộc sống nhọc nhằn, rày đây mai đó kia. Nhưng rồi cũng cảm thấy hạnh phúc len lõi trong kí ức, dẫu bé nhỏ trong cuộc sống của hiện tại. Cứ mỗi lần được nhìn thấy giàn hoa giấy của nhà ai đó duyên dáng, mềm mại trong từng giọt nắng thì lòng cảm thấy như được sưởi ấm.


Những cánh hoa giấy mỏng manh, loài hoa chỉ có sắc chứ không hương. Thế nhưng hoa giấy cũng có nhiều màu: Hồng, trắng, đỏ, cam… Ở nơi cái cổng ra vào những cành hoa giấy được cắt tỉa, uốn cong tạo thành một vòng cung. Phải đứng dưới cái vòm bằng cây ấy thì cảm nhận được nét dân dã của hoa giấy. Nắng gay gắt của tháng 3 bỗng dịu đi, chỉ còn lại từng giọt nắng khẽ chiếu qua những chiếc lá nhỏ. Từng cơn gió đi hoang lại vi vu vào trong vòm ấy tạo nên không gian yên bình đến kỳ lạ. Hoa giấy trong gió rơi đầy góc sân, ngập cả lối đi một màu hoa, những cánh hoa rơi rụng nhưng vẫn đầy sức sống, tươi vui. Cái nắng càng chói chang thì màu hoa càng tươi, cánh hoa mỏng manh lại rực rỡ trong nắng.


Thế đấy, hoa giấy gợi mở tâm hồn tôi một chút yêu thương, chút giận hờn của tuổi thơ hồn nhiên. Cũng đôi lúc có chút nỗi niềm, tâm trạng nhìn hoa nhưng rồi bỗng chốc tan biến theo từng hoa rơi xuống. Dù hoa lìa cành nhưng vẫn thanh thản, tươi vui như chính sức sống mạnh mẽ hiện hữu. Loài hoa bình dị, gần gũi, quê mùa.


Hoa giấy hay chăng tựa hồ như những xác pháo của sự đưa cô dâu đi về nhà chồng…





 



 

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Tam Kỳ phố và Cà phê.

Mấy ngày hôm nay trời đột ngột chuyển lạnh, đợt gió mùa đông bắc cuối cùng làm trời chuyển âm u, những người dân quê tôi vẫn quen gọi là “trời ủ hoa sưa”. Cũng sắp đến mùa hoa sưa rồi. Sáng nay trời bỗng nhẹ dịu hơn, ấm áp với tia nắng mai khẽ chiếu qua kẽ lá, trong dòng người tấp nập đủ màu đủ sắc trên con đường đi học hằng ngày ở đâu đó trong quán cà phê vỉa hè nghe mấy câu hát “Tam Kỳ chiều qua thị xã (TP) tôi bỗng ngỡ ngàng giữa bao phố xá. Công trường đổi thênh thang, nhịp sống hôm nay rộn ràng”, trong ca khúc Tam Kỳ khúc hát yêu thương. Mảnh đất này đang từng ngày thay đổi,  không ồn ào chóng mặt, cứ chậm rãi với những bước đi vững chắc. Cuộc sống không có sự náo nhiệt, vội vàng, không mang dáng hoài cổ như ở Hội An, cuộc sống dung dị giữa phố và quê còn hoà quyện.


 


Có lúc phố như trầm mình xuống cùng với nhịp thở đều của cuộc sống, cũng có lúc bừng lên nét hối hả nhưng rất yên bình. Con đường, góc nhỏ, hẻm sâu của Tam Kỳ vẫn có nét riêng, cũng như mỗi con người mỗi đường, mỗi hẻm phố đều có linh hồn. Đi vào các ngách nhỏ, hẻm nhỏ ta hiểu cái nét quê và phố hoà quyện như thế nào. Vẫn có hàng cau cao vút cùng với những dạng nhà cao tầng, cả những ngôi nhà ọp ẹp trong hẻm nhưng cau vẫn vút cao, đứng thẳng như chính con người ở mảnh đất này. Những giàn hoa giấy màu hoa học trò chen lẫn màu xanh non mởn của các luống rau như ở quê. Tiếng búa bửa củi vẫn còn vang vọng trong hẻm khi mà cuộc sống ở phố với bao dạng bếp, nào là than, ga, điện,... Hẻm quê trong phố vẫn đều đặn tiếng ồn ào của lũ trẻ con gọi nhau chơi đùa.


 


Tam Kỳ cũng lạ lắm. Bước chân ra phố là bắt gặp ngay quán cà phê đủ kiểu, có thể nói là muôn hình vạn trạng. Chưa ai ở mảnh đất này thử làm một cuộc thống kê xem có bao nhiêu quán cà phê. Có lẽ nhiều quá, nó đủ dạng sắc màu và lại không ngừng phát triển. Từ những hẻm thưa thớt người qua lại đến những con đường sầm uất vẫn mọc lên những quán cà phê. Giá tiền cũng bình dân phù hợp với mọi đối tượng. Không ai có thể biết chắc hàng ngày ở mảnh đất Tam Kỳ sẽ có bao nhiêu quán cà phê mọc lên, mấy quán sẽ được đổi chủ hay chuyển sang mặc hàng khác. Không hiểu sao Tam Kỳ lại nhiều quán cà phê, quán nhậu, karaoke, hớt tóc,... đến vậy. Bọn tôi vẫn hay đùa là Tam Kỳ thì có 3 cái Kỳ nhưng lý giải mãi vẫn không khớp nhau, phải nói trăm cái kỳ ấy chứ.


 


Cà phê Tam Kỳ ngon, rẻ là điều không ai phủ nhận nếu đã một lần uống. Từ không gian tưởng chừng như chật hẹp nhưng con người nơi đây luôn biết cách bố trí để làm không gian cà phê rất hay. Những chiếc bàn gỗ con con cáu xỉn màu cà phê được đặt cạnh một cây osaka , hay phượng đều là quán cà phê. Ngồi từ không gian nhỏ đó có thể nhìn dòng người ngược xuôi qua lại, bao nhiêu nhịp sống cứ đều đặn diễn ra nhưng chính những giọt cà phê đang từ từ rơi xuống. Sáng sớm hay khuya thì vẫn thấy có người cà phê, người bán cà phê. Tôi không phải là “tin đồ” ngoan đạo của cà phê, nhưng vẫn hằng ngày dõi bóng để xem có quán nào mới được mọc lên, chuyển đổi mặc hàng ở từng con đường quen thuộc hằng ngày qua lại. Mỗi quán tôi đều muốn một lần ghé để xem có nét riêng, khác lạ nào hay không mà thôi. Mỗi quán cà phê Tam Kỳ dù sang trọng hay bình dân đều tạo nét riêng để thu hút khách từ cách pha chế đến cung cách phục vụ. Có quán thì là nơi để người bình luận bóng đá, hay là nơi họ tìm đến để học hỏi cách chơi gà đá, con gà đá như thế nào là hay, độc, sẽ ăn trong các cuộc đấu ở trường gà. Hay có quán dành cho những ai mê cờ tướng, khách đến có thể ngồi từ sáng đến chiều mà không hề bị quấy rây hay làm phiền.


 


Tôi tự hỏi sao không gọi là phố cà phê!. Có người mở quán chưa hẳn là để kinh doanh mà muốn tạo thú vui với sự ra vào của dòng người tìm đến quán. Người đến không chỉ thưởng thức cái màu đen đen, vị đắng đắng của cà phê mà còn tìm đến nơi để giải toả, tâm sự, chia sẻ. Thêm nữa ở nơi đến họ còn được thưởng thức những bản nhạc yêu thích mà cuộc sống bây giờ có thể đã bị lãng quên, trong không gian phù hợp được trầm mình lắng nghe. Có thể đó là những bản nhạc buồn xa vắng của giai điệu tiền chiến, hay những tình khúc không lời, những bài nhạc Trịnh buồn nhưng sâu sắc... Có quán chỉ dành cho người già sáng hay chiều cùng những người bạn già nhâm nhi với nhau sau khi tập thể dục về.  


 


Cà phê chưa hẳn là một thứ xa xỉ, còn là nơi giúp ta được trầm lắng những giây phút lòng nặng nề, còn là nơi để gặp gỡ những người quen thuộc sau những ngày lao động, hay đã lâu rồi chưa được gặp gỡ tâm sự. Quán và cà phê còn là nơi để con nguời tạm quên đi bao lo toan thường nhật để được sống cho riêng mình dù nó rất ngắn đi chăng nữa. Ngồi trong quán với từng giọt cà phê rơi đều, cả những câu chuyện không đầu không cuối cứ nối tiếp nhau từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác ở mảnh đất “đi một vòng lại đụng đầu”. Cà phê Tam Kỳ cũng lạ như chính cái tên ba kỳ mà bọn tôi vẫn hay nói. Lạ lắm cà phê Tam Kỳ phố!


 


 


 


Đêm bình yên ở Tam Kỳ.


 


 


 

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Sâu phượng mùa thay lá.


Sáng nay trời bỗng nhẹ dịu, cơn gió mát lành thổi vào sự khô cằn, nóng rát mấy hôm nay. Ngỡ như một bàn tay của gió mùa xuân xoa dịu sự gay gắt, đỏng đảnh của nắng để hôm nay thấy trời vẻ dìu dịu, mọi thứ quanh ta đều đáng yêu. Nhìn quanh ta ở đâu đó vẫn còn giọt xuân mang đến niềm tin yêu, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bao người, ánh mắt lấp lánh sự bình yên.


Ở lẫn đâu đó bên vệ đường, những tà áo dài trắng thướt tha, khẽ tiếng reo giật mình vì những con sâu bé nhỏ vô tình bám lên chiếc áo tinh khôi ấy. Giật mình lên hàng cây phượng đã có những chú sâu bé nhỏ với những sợi tơ giăng đầy, vậy là đã có sự nhắc nhở mình phượng đã đến mùa “thay lá”. Bởi đây còn là khoảng thời gian ánh lên mắt học trò những dòng chữ lưu bút. Và lắng lòng lại ta nghe tiếng dậy mình của những chùm phượng đỏ, những lá tươi non trong màu học trò gợi lên nỗi nhớ miên man. Một chút gì đó hụt hẫng, bàng hoàng với sự đổi thay quá đỗi của mùa.


Những chiếc lá bé nhỏ bắt đầu trút, làm một cuộc trở mình âm thầm. Thoáng nhìn lên bỗng ngỡ ngàng phát hiện ra những mầm non xanh biếc. Sự rụng xuống và nảy mầm. Vàng và xanh. Cuộc đỗi ngôi lột xác cứ diễn ra âm thầm và quyết liệt, như mỗi mùa trong năm vẫn im lìm với những đổi thay. Sáng sớm thức giấc đã nghe những tiếng kêu ran, bản hoà ca quen thuộc của chú ve báo hiệu một mùa chia tay của các cô cậu học trò. Trong nắng trưa cái âm thanh rộn rã của ve cứ ngân dài trên những tán cây, tiếng xe cộ như lấn át đi cái âm thanh gợi đến chút chênh vênh cho màu áo trắng ngây thơ, trong sáng.


Nghe những tiếng cười nói vô tư, rồi cả cái chuyền tay nhau cuốn lưu bút nhỏ, cuốn sổ kia sẽ ghi lại dấu ấn của một thời hồn nhiên, trong sáng và đẹp nhất của đời người. Bao lời nhắn gởi, lời chúc cho nhau sẽ vững chân trên con đường phía trước. Tháng 3, sắp sang hè rồi, mùa thi cận kề rất gần. Bỗng thấy nhớ quá cái thời áo trắng mình cũng đã trãi qua. Nhớ lắm...nhớ không nguôi khi bắt gặp bao cái cười hồn nhiên trong tà áo trắng. Giờ đã xa, chỉ còn lại những kí ức, nhớ đến trong góc kí ức chôn giấu mà thôi.


Cây phượng như một chứng nhân lặng lẽ, nơi ghi lại bao dấu ấn của bao mối tình đầu, tình bạn giận hờn vu vơ. Cây vẫn đứng đó chào ánh nắng, tự tin vươn mình. Phượng hiểu bao nỗi niềm các cô cậu học trò, không muốn mình thay áo mới, trên tán xanh kia sẽ lá những đoá hoa đỏ rực, cháy cả nền trời trong nắng. Hơi thở phượng giao mùa qua màu hoa để rồi bao tâm trạng, ánh mắt nhìn nhau vươn chút buồn. Phượng hiểu mọi nỗi niềm nhưng thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi, vẫn phải vận động theo quy luật không thể dừng lại được.


Nhìn những con sâu nhỏ bé giăng các sợi tơ trên cây phượng, nếu ai đó từng để ý một lần sẽ hiểu đã có sự đổi thay, dần chuyển động trên thân cây kia. Lớp áo cũ của một năm đang được thay thế dần, những con sâu bé nhỏ kia đang báo hiệu, thay đổi cùng hoà vào để cho phượng làm việc. Ý sâu như nhắc phựơng hãy đi, theo cái quy luật muôn đời của cây, thời gian mãi không dừng lại, dù có níu kéo thì vẫn xảy ra, nếu ta cảm thấy tiếc nhớ thì hãy trân trọng mọi thứ quanh mình. Sâu cũng đáng yêu đấy chứ! Thầm nhắn gởi đến người, ngay như cuộc đời của những con sâu phượng rất ngắn ngủi nhưng đến và đi không hề hối tiếc điều gì vì đã sống và gởi hết mình. Sâu cùng phượng cởi lớp áo cũ, thay vào lớp áo mới.


Nhìn những lá úa vàng rơi, cái úa vàng của những chú sâu làm nhiệm vụ thay cho chính bản thân phượng đã gần như hoàn tất. Lớp áo lá ấy sẽ thay trong nay mai bằng màu xanh, phượng phải sẽ cho những nhành hoa màu đỏ, màu báo hiện hè sang. Ánh nắng vàng sẽ cùng phượng hoà vào làm cho tâm trạng của những ai một thời áo trắng sẽ cảm thấy nhớ.


Phượng đã sắp thay áo! Vẫn loài sâu bé nhỏ nhưng khiến tôi sợ khiếp vía. Cuộc đổi thay đang dần đến. Âm thầm và lặng lẽ quá đỗi...


 



 


 

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Gọi mưa trong nắng...


 


Cái nắng tháng 3 bỗng dưng chói chang, oi nồng. Rảo bước chân trên những con đường Tam Kỳ vào trưa đã thấy rát bỏng dưới chân, bao nhiêu người lướt dáng nhau trong khuôn mặt nhăn nhó, khó chịu. Dòng người càng vội vã nhiều hơn, như một cách để nhanh chóng lướt qua cái nắng gay gắt. Mùa nắng đã về chính thức rồi thì phải, chưa gì đã oi và nóng. Những tháng ngày dầm dề, ướt sũng đã chấm dứt, nay lại bỗng thèm khát một cơn mưa.


 


Tự dưng muốn gọi mưa, muốn những giọt nước ướt át để tưới mát lại hàng cây, những bụi cỏ ven đường, những cánh đồng lúa đang khát. Dường như ở mảnh đất này hơn tháng nay chưa có đến hạt mưa, cây như chết gục trong nắng. Những ngọn gió heo may, xơ xác mang chút rát bỏng của nắng. Đất khô hơn, cái nắng thì cứ chạy xồng xộc vào từng ngách nhỏ của phố, của các con đường làng quê, cái bỏng rát của của sức nắng cứ lăn lỏi ngày một oi hơn. Ra đường, từng vệt lá rụng rơi, xếp chồng lên nhau như để tạo cho mình mọt lớp để tránh đi cái nắng đã về.


 


Nắng cứ nhảy nhót theo mỗi bước chân trần của những gánh hàng rong, của những chú đạp xe ba gác, thợ hồ, những tấm vé số của các cụ già, em thơ. Tiếng sáo của một người mù giữa trưa nắng làm ta như chậm lại để lắng nghe. Cái dáng đi xiêu vẹo dò từng bước đi trên con đường nhựa rát bỏng như đốt, tiếng sáo réo rét một khúc ca mang một âm hưởng của sự tin yêu cuộc sống. Một bộ đồ rách nát, đằng trước đeo một cái ca nhựa, đôi chân trần đen sạm, con người bé nhỏ tiều tuỵ, giữa đám bụi đường, nắng nóng ông ấy vẫn thổi sáo không ngừng nghĩ để mong mọi người thương cảm cho số kiếp bất hạnh. Đành rằng ông ấy làm nghề ăn xin nhưng không phải là cái dáng giả tậ, què như tôi vẫn bắt gặp mà đó cũng như bỏ một chút sức lao động ít ỏi còn lại để kiếm cơm qua ngày. Vẫn biết cuộc sống đôi khi có những hình ảnh bất hạnh cứ ẩn hiện trước mắt nhưng sao số phận của người đàn ông thổi sáo giữa trưa cứ ám ảnh trong đầu.


 


Lặng lẽ với những bước chân trong nắng trên con đường đi học hằng ngày mà thương hơn cho giấc ngủ vật vờ trên xe ba gác, giấc ngủ xiêu vẹo trên xe máy của các bác xe ôm, cả cái dựa lưng vào tán cây ven đường của gánh hàng rong. Những con người lao động nhỏ bé vẫn cứ hằng ngày rảo bước trên khắp nẻo đường dưới cái nắng vô tình bỏng rát. Thương cho bao cái kiếp sống tật nguyền nhưng vẫn muốn khẳng định mình, tập vé số hằng ngày trên chiếc xe lắc, rồi từng bước chân lê lết để bán vé số mưu sinh qua ngày. Những bước chân dò đường của những người khiếm thị trên đôi vai là những cây chổi tự làm, túi xách trên vai là những bao tăm, bó đũa mài mẫn làm để khỏi uổng phí một đời người.


 


Nhìn bao con người sống lặng lẽ với những nỗi đau, ta lại tự giận mình hơn. Đã hơn hai mươi năm hiện hữu giữa cuộc đời nhưng đã làm được gì, đôi tay của ta chưa hề nhúng một chút nhọc nhằn nào, vần còn bám trên đôi vai yếu ớt của ba má. Và còn nhiều lắm điều tí ti cũng khiến tôi giận chính mình.


 


Cái nắng cứ len lỏi khắp nẻo của mảnh đất “lắm nắng nhiều mưa” của miền Trung. Thời gian vẫn cứ chuyển động vù vù, còn con người thì bất biến, mỗi mùa thay sắc như chính sự gở bỏ những điều buồn sâu của con người để cùng hoà vào, vươn lên. Cuộc sống vẫn có nhẫn tâm nhưng bao dung, hạnh phúc vẫn ẩn hiện. Niềm tin nếu ta biết đặt mình sẽ có những hy vọng mới mở ta, hãy có những cái nhìn lạc quan về phía trước rồi tiếp tục đi.


 


...“Có nắng vàng nghèo trên lối đi xạ. Có tối thật đều trong linh hồn nhỏ. Có mắt thật chiều dưới trán ngây thơ”. Biết mùa thay lá, thì ta cũng nên thay đổi thái độ sống để mỗi ngày sẽ thấy yêu thương... Vẫn là hy vọng ngày mai những cơn mưa về tưới mát hồn cây, hồn người...


 


Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Một cõi...

                               Viết cho ngày 8/3. Và gởi điều ước...


 



 


“Một cõi đi về” là gì nhỉ?. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...” Bước chân ta có mỏi thì cũng phải đi, nhưng sẽ đi đâu, vẫn loanh quanh rồi vẫn mỏi mệt...?. Hay đó là sự loanh quanh trên con đường tiều tuỵ như Trịnh viết. Ta vẫn phải bước đi, vẫn lãng du đến mỏi bước rồi cuối cùng quên mình trong một giấc ngủ say không mộng mị.


 


Lúc ta đã đi nhưng trong tim vẫn “hiện bóng con người” Trái tim vẫn những nhịp đập, nhịp sống yêu thương tràn đầy, vẫn muốn kêu gọi. Nếu như cuộc đời mỗi người trên đời này muốn thử một lần khám phá tận cùng của cõi chết rồi sẽ được trở lại dương gian, dù điều đó chỉ một lần thôi. Nhưng điều đó vẫn không bao giờ và mãi mãi không xảy ra. Chẳng ai có thể nói một cách xác thực về cái chết rồi về sự trở lại của bản thân ở cõi chết trở về cả. Vẫn của ngày hôm nay “Lời nào của cây lời nào cỏ lạ. Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua” Đi mãi, rồi “ngủ” dài để quên đi bao điều, khi tỉnh dậy sao vẫn thấy xuân thì qua nhanh đến vậy. Non cao, biển rộng ta qua có thổi bằng ngọn gió hoang vu để ta gởi bao lời, có nghe cây cỏ gọi tên “bốn mùa”. Rồi một lúc ta ngồi lại nghe tiếng mưa rơi và nhớ mưa nơi xa nào đó, hay ta sống hiện hữu nơi này không phải chốn quê nhà...? Vẫn cứ hỏi “Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” Phải chăng ta sống vẫn chỉ là “cõi tạm” ở nhân gian?


 


- Ước gì đi... Ước sẽ không còn nghe tiếng “vỡ” trong cuộc sống quanh ta. Ước một ngày thức giấc sẽ bớt đi tiếng rên, tiếng kêu than, tiếng buồn của ai đó bên cạnh mình. Những giọt nước mắt của mình không rơi vô ích khi buồn, yếu đuối mà sẽ dành cho sự hạnh phúc. Và hơn hết đừng bao giờ làm cho ai đó phiền lòng bận tâm về bản thân mình. Vì mỗi bước chân ta đi đều có sự ủng hộ thầm lặng, dõi theo những bước đi từng ngày.  Và bản thân, người thân sống bên cạnh luôn có nghị lực sống và một ước mơ để dám vì ước mơ mà đi hết con đường đã chọn, sẽ không là sự ích kỷ dành riêng cho bản thân mà là vì những người quanh ta luôn cầu mong sự an lành đến với ta.


 


- Ước gì nữa... Ước mỗi sớm mai thức giấc với những công việc bận rộn, bản thân không có sự rảnh rỗi. Dám ước mơ, đặt ra con đường sẽ thực hiện đến cùng, và không có những câu nói dành cho ngày mai, sau này, rồi mới hành động. Tôi ghét bản thân mình luôn làm cho ai đó lo lắng, rồi đổ lỗi, biện mình cho những việc làm của mình. Sự lãng tránh và không nhìn vào sự thật. Cuộc đời đôi lúc chính ta cũng nên tạo ra sự an nhiên, thảnh thơi, trong tâm hồn. Tự soi chiếu đời mình, tự chia sẻ, tự tìm phương cách giải thoát buồn đau. Trong cuộc đời: Vui và buồn luôn song hành và hội ngộ, hạnh phúc hiện hữu rồi tan biến, con người tìm kiếm rồi lại nhạt phai. Con người đôi lúc cũng nhỏ bé và cô đơn vô cùng, với niềm tin đi kiếm tìm một điều gì đó xa xôi rồi cũng phải về núi xa, dừng chân ở một chốn linh thiêng.


 


Có lần tôi đã từng hỏi bản thân mình: Bàn tay nhân gian có độ lượng...? “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì” Có một  sự sòng phẳng nào diễn ra không, hay chỉ là ta cùng nhau trả cái nợ trần gian, ta đã gánh trên vai ngay từ khi lọt lòng. Đôi tay nhân gian dài lắm, rộng lắm nhưng sẽ chưa bao giờ độ lượng, luôn là sự vay trả sòng phẳng, có lúc lại tàn nhẫn, có lúc quá phũ phàng, và có lúc lại hiền từ. Khi ta đi mãi, đi tìm một con đường mới thì lại nhớ đến con đường cũ, lại đâm ra tiếc nuối, lại đâm ra mơ trở lại giấc mơ xưa.


 


Cuộc đời con người vẫn mãi là chuyến hành trình bất đắc dĩ bởi kiếp người được sinh ra.


 



 


* Viết cho ngày 8/3. Với những gì muốn viết, muốn nói nhưng ngôn từ vẫn không thể nào diễn tả được. Đành nghe bài hát “Một cõi đi về” và viết với sự chắp vá trong suy nghĩ. Vẫn muốn ước nó sẽ làm cho tất cả mọi người cười trong rạng rỡ trong hạnh phúc...